Quyền sở hữu một tài nguyên (Property Rights of Natural Resources) là gì?
Mục Lục
Quyền sở hữu một tài nguyên
Quyền sở hữu một tài nguyên (hoặc một nguồn tài nguyên) trong tiếng Anh tạm dịch là: Property Rights of Natural Resources.
Quyền sở hữu một tài nguyên là tập hợp toàn bộ các đặc điểm của tài nguyên, mà các đặc điểm này xác lập cho chủ sở hữu của nó có một quyền lực thực sự để quản lí và sử dụng nó. Chủ sở hữu ở đây có thể là một cá nhân, có thể là một nhóm người, có thể là Nhà nước.
Chủ sở hữu tài nguyên có quyền lực thực sự thể hiện ở 2 mặt: quyền chiếm hữu và quyền định đoạt trong việc quản lí và sử dụng tài nguyên.
Đặc điểm
Quyền sở hữu nguồn tài nguyên có các đặc điểm sau:
- Quyền sở hữu một nguồn tài nguyên có thể bị giới hạn bởi chính phủ.
- Khoảng thời gian khai thác là yếu tố quan trọng cho quyền sở hữu tồn tại.
Ví dụ, một người nào đó có quyền sở hữu một tài nguyên do ông cha để lại, như vậy quyền sở hữu và các đặc điểm trên của tài nguyên sẽ là lâu dài, nhưng nếu là tài nguyên đi thuê thì các đặc điểm cơ bản trên về quyền sở hữu là tạm thời, hoặc trong khoảng thời gian đi thuê.
- Chủ sở hữu có nhiều quyền khác nhau: Chủ sở hữu có thể loại trừ, có thể tiến hành các hoạt động sử dụng, có thể chia và có thể chuyển đổi các nguồn tài nguyên.
Ví dụ: một mảnh đất, có chứng nhận sổ đỏ cho phép chủ hộ sử dụng và thu những khoản lợi nhuận do mảnh đất tạo ra. Chủ mảnh đất có thể sử dụng nó vào các hoạt động khác nhau như cho thuê, xây dựng công trình.
- Quyền loại trừ là một đặc điểm quan trọng và có thể chia ra các loại:
+ Quyền sở hữu tư nhân cho phép chủ sở hữu có quyền loại trừ sử dụng của bất kì ai và cũng không phải chia lợi nhuận lại từ tài nguyên này cho người khác. đối với quyền sở hữu tư nhân, thị trường sản xuất và trao đổi tài nguyên sẽ tồn tại.
Điều này cho phép việc sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả hơn mặc dù không cần hoặc cần rất ít sự can thiệp của chính phủ.
+ Quyền sở hữu chung được thiết lập bởi một nhóm cá nhân và đặc điểm có thể loại trừ sẽ không tồn tại trong cơ chế sở hữu chung. Điều này, ngược lại với quyền loại trừ của sở hữu tư nhân.
+ Tài nguyên vô chủ sẽ không có một số đặc điểm như quyền loại trừ, không ai có quyền loại trừ người khác khai thác, sử dụng chúng. Chính đặc điểm này của tài nguyên vô chủ dẫn tới nhiều vấn đề trong quản lí sử dụng tài nguyên của một quốc gia, một vùng.
Tài nguyên vô chủ sẽ không bao giờ được sử dụng, khai thác có hiệu quả nếu không có sự can thiệp của chính phủ, hoặc các luật lệ về quyền sở hữu cụ thể cho các loại tài nguyên đó.
Thị trường của quá trình sản xuất và trao đổi loại tài nguyên vô chủ sẽ không tồn tại hoặc hoạt động không hiệu quả bởi vì ở đây mọi người đều muốn khai thác với một sản lượng cao nhất, mà không ai quan tâm tới việc gìn giữ, phục hồi chúng. Nguồn tài nguyên này sẽ nhanh chóng bị kiệt quệ hoặc tuyệt chủng.
Ví dụ: việc đánh bắt thuỷ sản tại hải phận quốc tế, nguồn nước, không khí.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Tài nguyên Môi trường, TS. Nguyễn Văn Song - TS. Vũ Thị Phương Thụy, 2006, Đại học Nông nghiệp Hà Nội)