Lợi nhuận ngân hàng vẫn khả quan
Nhiều chỉ tiêu ấn tượng
Tính đến hết tháng 9/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt 13.500 tỷ đồng, hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tiếp tục nằm trong Top dẫn đầu thị trường, trên 27%. Tỷ lệ nợ xấu vẫn được đảm bảo ở mức 1%. Hoạt động của ACB không bị ảnh hưởng bởi một số quy định mới liên quan đến bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, do Ngân hàng có danh mục đầu không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB lần lượt đạt 12% và 12,5%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước. Rủi ro thanh khoản ở mức thấp khi dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) đạt 83%, nằm trong nhóm các ngân hàng thương mại dẫn đầu thị trường.
Tại VPBank, trong 9 tháng đầu năm 2022, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 19.800 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ và hoàn thành 67% kế hoạch cả năm. Nhờ đa dạng hóa doanh thu, tổng thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất đạt 45.000 tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng hợp nhất tăng trưởng ấn tượng, 59,2%, qua đó nâng tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi trên TOI lên hơn 30%. Với ngân hàng riêng lẻ VPBank, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 56%.
Trong khi đó, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 20.800 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 21,8% so với cùng kỳ và hoàn thành 77% kế hoạch năm (mục tiêu lợi nhuận năm 2022 là 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021). Tổng thu nhập hoạt động đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ.
Trong quý III/2022, Techcombank giữ vững lợi thế cạnh tranh tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và khả năng sinh lời vượt trội từ phí. Tổng tiền gửi tính đến ngày 30/9/2022 là 318.900 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,3% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA duy trì ở mức cao, 46,5%, hiện cao nhất toàn ngành.
Về chất lượng nợ, tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 30/9/2022 của Techcombank ở mức 0,6%, trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 165%, phản ánh chất lượng tín dụng ổn định và khả năng dự phòng rủi ro cao. Nhờ đó, chi phí dự phòng tiếp tục có xu hướng giảm, xuống mức 1.200 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái, do tình hình tài chính của nhiều khách hàng được cải thiện cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 15,7%, tăng 0,68% so với cùng kỳ.
Một số ngân hàng khác ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2022 như SHB tăng 79%, đạt hơn 9.000 tỷ đồng; VIB tăng 46%, đạt 7.800 tỷ đồng; TPBank tăng 35%, đạt gần 6.000 tỷ đồng (hoàn thành 72% kế hoạch năm); SeABank tăng 58,7%, đạt hơn 4.016 tỷ đồng; Sacombank đạt 4.440 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 84,1% kế hoạch năm...
TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cho rằng, đến thời điểm này, nhiều nhà băng đã thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2022 ở mức cao, nên khả năng hoàn thành mục tiêu cả năm không quá khó, dù hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cạn dần.
Tín dụng phân tán
Lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh, dù lãi suất đầu vào tăng gây áp lực lên biên lãi ròng.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan ở tất cả các lĩnh vực trọng tâm, lợi nhuận trước thuế tăng 22% so với cùng kỳ năm trước là nhờ kinh tế phục hồi, GDP tăng trưởng tốt.
Bên cạnh đó, Techcombank đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, phân tán. Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 671.400 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 61,2% so với cùng kỳ, đạt 222.400 tỷ đồng, chiếm 49% danh mục tín dụng (cùng kỳ năm 2021 là 36,4%); dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 22,7% so với cùng kỳ, đạt 70.700 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay, trái phiếu) cuối quý III/2022 giảm 12,5%, xuống 161.000 tỷ đồng, chiếm 35,5% tổng dư nợ, giảm đáng kể so với mức 48,5% cuối quý III/2021 và mức 37,7% cuối quý II/2022.
Tương tự, danh mục tín dụng cuối quý III/2022 của ACB tập trung chủ yếu vào mảng bán lẻ, với tỷ lệ lên đến 94%. Có tới 98% các khoản cho vay có tài sản bảo đảm và tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản (LTV) bình quân danh mục duy trì trên 52%.
Với VPBank, động lực lợi nhuận tăng trưởng cao đến từ trụ cột ngân hàng bán lẻ. Các nguồn thu ngoài lãi đóng góp vào TOI tại ngân hàng riêng lẻ có thể kể tới hoạt động thanh toán và ngân quỹ trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng gấp đôi cùng kỳ, nhờ doanh số giao dịch POS tăng mạnh, gấp gần 4 lần cùng kỳ, trong bối cảnh tiêu dùng phục hồi. Trong khi đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm vẫn tăng trưởng tốt, tăng 68% so với cùng kỳ. Thu phí từ thẻ tăng 35%, tương ứng với số lượng thẻ phát hành và giao dịch gia tăng.
Đáng chú ý, bán lẻ một lần nữa khẳng định vị thế trụ cột tại VPBank trong quý III/2022, khi quy mô và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng bán lẻ, bao gồm cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và FE Credit vươn lên đóng góp gần 70% tổng dư nợ cấp tín dụng, với mức tăng trưởng đạt khoảng 20%, đưa Ngân hàng vào Top dẫn đầu thị trường trong mảng bán lẻ. Dư nợ tín dụng hợp nhất của VPBank theo đó đạt 443.000 tỷ đồng, trong đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngân hàng riêng lẻ đạt 15,45%, cao hơn mức trung bình ngành là 10,96%. Bên cạnh đó, công ty tài chính tiêu dùng FE Credit đã tìm lại được đà tăng trưởng tích cực sau thời gian chạy đà 2 quý đầu năm.
Với các nhà băng nhỏ thì nguồn thu từ lãi vẫn đóng góp chính vào lợi nhuận. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Saigonbank ghi nhận 236 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của Ngân hàng, đạt 663,6 tỷ đồng, tăng 46%; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 29,9 tỷ đồng, tăng 41,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí dự phòng của ngân hàng này trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng gần 5 lần so với cùng kỳ, với 201,8 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của Saigonbank là 391 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,97% lên 2,13%.
Theo TS. Trần Hùng Sơn, giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế Luật TP.HCM, room tín dụng hạn chế trong quý IV/2022 sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành ngân hàng. Vả lại, mặt bằng lãi suất tăng khiến chi phí của nhà băng đội lên, không dễ kỳ vọng đạt lợi nhuận cao trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Tính đến ngày 26/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,58 triệu tỷ đồng, tăng 10,83% so với cuối năm 2021 - là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Ngân hàng Nhà nước cho hay, cơ quan này đã cấp hết 13,6% trong tổng 14% room tín dụng năm 2022, hiện chưa có chủ trương nới thêm.
Thùy Vinh