Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu không có lãi thì lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý
Phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm cho ý kiến về tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, nhất là tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, ở nước ta, theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý cung ứng, kinh doanh xăng dầu được giao cho 7 bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện. Để làm tốt công tác này, cần có sự hợp tác chặt chẽ, nhuần nhuyễn, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động.
Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chính là lập kế hoạch tạo nguồn cung ứng, cùng chính quyền địa phương quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Tuy nhiên, để làm được điều đó, ngành Công Thương cần sự ủng hộ, giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cho vay, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hệ thống phân phối.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, thị trường xăng dầu nước ta cơ bản ổn định, nguồn không thiếu, giá cả hợp lý, luôn ở mức thấp trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở TP. HCM và một số tỉnh phía Nam là rất đáng tiếc và bất thường vì ở hoàn cảnh giống nhau nhưng ở các tỉnh phía Bắc và Trung không xảy ra như vậy - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đầu tháng 10, cả nước còn 3 triệu m3 xăng dầu, đủ nguồn cung hết tháng 11, chưa kể các nhà máy tiếp tục sản xuất. Ngoài nguyên nhân khách quan của thế giới là đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng… thì nguyên nhân chủ quan là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, room hẹp, điều kiện vay, thanh khoản khó khăn, tỷ giá ngoại tệ thay đổi liên tục nên gây rủi ro cao cho cách doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khi khan hàng nhiều chi phí phát sinh, định mức lỗi thời chưa được cập nhật, kịp thời, chưa được phản ánh trong tính giá cơ sở nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Doanh nghiệp đầu mối, phân phối không tự cứu được mình để làm ăn có lãi thì không thể lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý và cửa hàng bán lẻ.
Thời gian qua, thiên tai bão lũ xảy ra làm chậm các chuyến tàu, xe chở xăng dầu để cung ứng cho các đơn vị bán lẻ. Nhiều vụ buôn lậu làm giả xăng dầu số lượng lớn bị triệt phá đến hàng chục nghìn m3 nên ít nhiều ảnh hưởng đến các điểm kinh doanh xăng dầu.
Không chỉ có vậy, tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam có nhiều thương hiệu phân phối xăng dầu. Nhiều thương hiệu đã ký hợp đồng mua hàng của nhiều doanh nghiệp đầu mối nhưng không mua hàng thường xuyên nên doanh nghiệp đầu mối không thể chủ động nguồn hàng. Khi khan hàng doanh nghiệp phân phối quay lại mua hàng cho hệ thống bán lẻ của mình thì không còn cơ hội.
Về giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết cần thực hiện đồng bộ các nội dung:
Chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ của mình để kịp thời chi viện, ứng cứu trong điều hành;
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng, đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại.
Đồng thời, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai phần mềm quản lý, phân phối kinh doanh xăng, dầu thống nhất trực tiếp từ Bộ Công Thương đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối và thực hiện phân phối.
Huệ Linh