Kinh tế Mỹ quý 3 phục hồi sau 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm
Reuters trích dẫn báo cáo GDP quý 3 của Bộ Thương mại Mỹ hôm 27/10 cho biết, GDP Mỹ tăng với tốc độ 2,6% hàng năm trong quý 3 so với con số âm 0,6% của quý trước đó. Do nhu cầu chậm lại kìm hãm lượng hàng hóa nhập khẩu, thâm hụt thương mại đã thu hẹp mạnh. Mặt khác, xuất khẩu tăng cùng việc khoảng cách thương mại thu hẹp đã góp 2,77 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP quý – mức cao nhất kể từ cùng kỳ năm 1980.
Thêm vào đó, tỷ lệ lạm phát đã có cải thiện đáng khích lệ. Trong quý 3, lạm phát trong nền kinh tế tăng với tỷ lệ 4,6% so với mức tăng 8,5% trong quý 2 trước đó. Dù vậy, con số này vẫn còn tương đối cao và áp lực giá về cơ bản vẫn đang đè nặng lên người tiêu dùng nước này.
Bất chấp kết quả được cải thiện trong quý 3, nhiều chuyên gia nhận định chính sách tiền tệ của Mỹ vẫn sẽ được giữ nguyên. Trước đó, Fed đã tăng lãi suất chuẩn qua đêm từ mức gần 0 vào tháng 3 lên phạm vi hiện tại là 3,00% đến 3,25%.
Việc ghi nhận mức tăng trưởng dương trong quý thứ 3 đã cung cấp bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái. Tuy vậy, rủi ro này vẫn còn rất cao, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có những động thái tăng lãi suất quyết liệt nhằm đối phó với tỷ lệ lạm phát đang ở ngưỡng cao nhất trong 40 năm qua.
Kết quả các đợt tăng lãi suất của Fed cũng đã thể hiện ở việc doanh số bán hàng cuối cùng cho người mua tư nhân trong nước chỉ tăng ở mức 0,1%, cho thấy chi phí đi vay cao hơn đang bắt đầu làm xói mòn nhu cầu. Tính từ quý 2/2020, đây là mức tăng chậm nhất của thước đo nhu cầu nội địa này.
Tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng, yếu tố chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, cũng chậm lại với tốc độ 1,4% trong quý 3 so với tốc độ 2,0% của quý 2. Về phần nguyên nhân cho việc này, Reuters nhận định chi tiêu bị kìm hãm do hàng hóa giảm, chủ yếu là từ các lĩnh vực phương tiện giao thông cũng như thực phẩm và đồ uống.
Do nhu cầu hàng hóa đã giảm bớt và các nút thắt chuỗi cung ứng được giảm tải, nhiều nhà bán lẻ lại gặp khó do hàng hóa dư thừa. Do đó trong quý 3, hàng tồn kho của doanh nghiệp đạt giá trị 61,9 tỷ USD, lấy đi 0,7 điểm phần trăm từ tỷ lệ tăng trưởng GDP.
Ông Sal Guatieri, nhà kinh tế cấp cao của BMO Capital Markets, nhận định dù các dữ liệu có thể hiện sự tích cực, cái nhìn tổng thể vẫn vẽ ra một bức tranh kinh tế Mỹ tồi tệ hơn nhiều. Một khi thị trường cảm nhận đầy đủ các tác động từ việc Fed tăng lãi suất, nền kinh tế Mỹ cũng sẵn sàng cho một đợt suy thoái nhỏ trong nửa đầu năm tới.
Theo nhận định của ông Sung Won Sohn, giáo sư tài chính và kinh tế tại Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles, hàng tồn kho, vốn từng làm tắc nghẽn các cảng, đã chuyển đến kho của các nhà bán lẻ vào đúng thời điểm nhu cầu giảm và việc làm tăng chậm lại”. Một khi quá trình điều chỉnh hàng tồn kho được tiến hành, nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái.
Ngân Hà