Nợ xấu Saigonbank tăng vọt, giá cổ phiếu lao dốc
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, mã SGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với kết quả không thực sự khả quan, trong khi lợi nhuận đi lùi thì tổng nợ xấu tăng cao.
Theo đó, tính đến 30/9, tổng nợ xấu của Saigonbank là hơn 391,3 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 43% ghi nhận hơn 253,2 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 19% ghi nhận hơn 127,1 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn ngược lại giảm 74%. Như vậy, đã có sự dịch chuyển mạnh từ nợ dưới tiêu chuẩn sang nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn tại Saigonbank.
Vẫn theo báo cáo, quý III, thu nhập lãi thuần của Saigonbank đạt mức hơn 214 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ 2021.
Lãi từ dịch vụ tăng mạnh song ghi nhận chỉ hơn 9 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 57% chỉ còn 6,3 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác giảm 52% còn 7,1 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 81 tỷ đồng, tăng 18%. Nhưng do Saigonbank tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nên lãi trước thuế chỉ còn hơn 60 tỷ đồng, giảm 8%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Saigonbank thu được hơn 236 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21%.
Tính đến hết quý III, tổng tài sản của Saigonbank tăng 3% lên mức 25,308 tỷ đồng. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 12% còn 465 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm 28% còn 3.651 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 11% ghi nhận 18.336 tỷ đồng...
Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh Saigonbank âm đến 1.507 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 386 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền đầu tư cũng âm 13,4 tỷ đồng.
Trên thị trường, giá cổ phiếu SGB của Saigonbank đang giao dịch mức 12.600 đồng/cổ phiế, giảm 31,8% kể từ đầu năm (1/1 - 28/10), khiến mỗi cổ phiếu "bốc hơi" 5.898 đồng.
Saigonbank thành lập năm 1987 với vốn điều lệ 650 triệu đồng, mục tiêu cơ bản là thu hút tiền gửi với lãi suất thích hợp và cho các doanh nghiệp vay tiền mặt đáp ứng yêu cầu phát triển, ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại TP.HCM.
Hòa Bình