1. Tài chính

Lãi suất cho vay tăng, doanh nghiệp gặp 'khó trong khó ngoài'

Khảo sát tại các ngân hàng thương mại (NHTM), đầu năm 2022 mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ khoảng 6-7%/năm, nhưng hiện nay đã lên tới 9-10,5%/năm; lãi suất cho vay mua nhà, mua xe... từ mức khoảng 9-10%/năm nay đã lên đến 12 - 14,5%/năm.

Doanh nghiệp “khó trong khó ngoài”

Giám đốc 1 DN cho biết, khi TP.HCM mở cửa trở lại vào tháng 10 năm trước, công ty của ông vay luân chuyển 15 tỷ đồng để tái sản xuất kinh doanh, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 6,5%/năm nên chi phí trả lãi vay là 975 triệu đồng. Đến tháng 11 năm nay, DN muốn tiếp tục vay thêm 15 tỷ nhưng lãi suất cho vay của ngân hàng đã lên 10,5%/năm, số tiền phải trả lãi lên tới 1,575 tỷ đồng. Việc tăng lãi suất cho vay khiến DN phải trả thêm một khoản lên tới 600 triệu đồng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, không thể tăng vốn lưu động để tái sản xuất kinh doanh.

DN bất động sản đang gặp “khó trong khó ngoài” vì tiền trả nợ ngân hàng tăng, trong khi khối lượng giao dịch giảm.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành cho biết, DN bất động sản đang gặp “khó trong khó ngoài” vì tiền trả nợ ngân hàng tăng, trong khi khối lượng giao dịch giảm. Phần lớn số vốn trong 1 dự án nhà ở, chủ đầu tư phải vay ngân hàng, lãi suất cho vay tăng làm chi phí và giá thành sản phẩm tăng theo. Khách hàng của Công ty Lê Thành đa số là người có thu nhập thấp hoặc trung bình cũng đi vay ngân hàng, vì vậy, nhiều người không đặt cọc hoặc phải dừng lại việc mua nhà do không đủ tiền trả lãi hàng tháng; nhiều nhà đầu tư cũng rút lui khi lãi suất tăng.

“Do các DN bất động sản đều sử dụng vốn rất lớn nhưng lại không đủ vốn nội tại, nên tất cả đều phải vay ngân hàng. Khi vay ngân hàng lượng tiền lớn với lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn tới chi phí của DN, dẫn đến tăng giá đầu ra sản phẩm. Trong khi đó, người mua bất động sản đầu tư họ sẽ không mua nữa vì lãi suất 12%/năm nên phải tính toán lại vì sợ thua lỗ nên họ kiếm đầu tư lĩnh vực khác”, ông Nghĩa nói.

Khi đầu ra các sản phẩm nhà ở gặp khó, việc thanh toán cho các đơn vị thi công, nhà cung cấp, DN vật liệu xây dựng... cũng bị ảnh hưởng theo. Bà Đinh Thị Trúc Giang – Trưởng ban kiểm soát Hiệp hội Xây dựng TP.HCM, Phó Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Quản lý Nhà Việt Nam lo ngại, lãi suất tăng cùng việc thắt chặt zoom tín dụng tiếp tục khiến nhiều đơn vị thi công, nhà cung cấp vật liệu nợ đọng kéo dài.

“Khi lãi suất ảnh hưởng đến doanh thu, doanh số của DN bất động sản sẽ khiến thanh toán của chủ đầu tư cho các tổng thầu bị ảnh hưởng, nợ tổng thầu tăng lên. Khi tổng thầu nợ nhiều các đơn vị thầu phụ, DN sản xuất vật liệu xây dựng cũng bị nợ theo tạo ra sự đứt gãy sẽ kéo đổ một loạt”, bà Giang đưa ra viễn cảnh xấu.

Theo ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, hiện lãi suất cho vay tăng nên DN phải tìm cách xoay sở. Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư khôi phục mở rộng sản xuất kinh doanh của tập đoàn cũng chậm lại vì cần nhiều vốn vay từ ngân hàng.

“Lãi suất tăng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh. DN đang không biết phải làm thế nào để đối phó với nền kinh tế nhiều biến động, hoạt động lãi suất, tỷ giá thay đổi khiến các DN rất khan hiếm tiền mặt”, ông Thông cho biết.

Cần ổn định lãi suất cho vay

Theo các chuyên gia, nguyên nhân lãi suất cho vay tăng cao chủ yếu do nhu cầu tín dụng gia tăng, khi kinh tế tăng trưởng và lãi suất tiền gửi có xu hướng đi lên. Chuyên gia kinh tế, TS. Giang Chấn Tây nhận định, nếu thời gian tới, lãi suất cho vay vẫn “neo” ở mức cao, DN sẽ khó tiêu thụ hàng hóa, sức mua giảm, hàng tồn kho tăng. Khi đó, các DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, đời sống người lao động gặp khó, nên cần quyết liệt thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp chuyên đề vào tháng 9 vừa qua.

TS. Giang Chấn Tây khẳng định, việc ổn định lãi suất không chỉ giúp các DN bớt khó mà còn khiến cho lạm phát không tăng mạnh. Ảnh: NVCC

TS. Giang Chấn Tây kiến nghị, để giữ ổn định lãi suất cho vay, các ngân hàng cần phải cơ cấu lại nguồn vốn an toàn, hiệu quả. Cụ thể, cần ưu tiên cho vay đối với các DN sản xuất và doanh nghiệp thương mại. Đối với cho vay tiêu dùng cũng cần có tính toán kỹ, không để nhu cầu mua sắm quá cao sẽ dẫn đến tăng giá bán. Còn khi cho vay bất động sản, ngân hàng cần có chính sách chọn lọc, ưu tiên các dự án nhà ở xã hội và nhóm đối tượng người tiêu dùng có nhu cầu thực, tránh các dự án đầu cơ sinh lời hoặc tạo khan hiếm đẩy giá tăng ảo.

Bên cạnh đó, TS. Giang Chấn Tây kiến nghị, Nhà nước cần tăng cung tiền ra thị trường để vừa tăng tính thanh khoản, vừa giảm bớt áp lực lên lãi suất vì khi mức cung tiền tệ tăng so với cầu lãi suất sẽ có xu hướng giảm. Bởi vì tiền đưa vào sản xuất kinh doanh thì sẽ tạo ra vật chất, hàng hóa…giúp tăng trưởng GDP, nền kinh tế sẽ phát triển cân bằng hơn.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt các kênh huy động vốn bằng trái phiếu. Thời gian qua, một lượng tiền trong dân thay vì gửi vào ngân hàng đã chôn vốn vào các doanh nghiệp bất động sản qua việc mua trái phiếu. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư làm ăn không hiệu quả làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn của ngân hàng./.

CTV Hoàng Minh/VOV-TP.HCM

Tin khác