Đầu tư cho chuyển đổi số thế nào để giảm rủi ro?
Bối rối khi có quá nhiều giải pháp
Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các diễn đàn đã và đang nói rất nhiều về chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, các xu hướng, lợi ích và cơ hội mang lại cho doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 đã cho doanh nghiệp thấy rõ ai sớm áp dụng công nghệ số vào điều hành, doanh nghiệp sẽ có hiệu quả và lợi thế cạnh tranh lớn.
Theo ông Phí Anh Tuấn, phần đông doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn khá lúng túng trong việc thực hiện chuyển đổi số. “Không còn quá băn khoăn về lợi ích chuyển đổi số mang lại, nhưng doanh nghiệp bây giờ lại bối rối giữa một rừng giải pháp bủa vây, việc lựa chọn công nghệ nào cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp mình là điều không hề dễ dàng”.
Đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc lần đầu tiên chuyển đổi số khiến các đơn vị này rất khó nhận diện được công nghệ nào phù hợp: Cloud, Big data, AI, IoT…. ; giải pháp nào là tối ưu: giải pháp Việt Nam, giải pháp quốc tế, giải pháp theo nhóm ngành... Đó là chưa kể đến các ý kiến trái chiều nhau từ cộng đồng về các giải pháp.
Hàng chục năm tiếp xúc với cả nghìn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 vừa qua, ông Phí Anh Tuấn đúc kết: “Doanh nghiệp không có đủ thông tin để lựa chọn đúng giải pháp, không biết hoặc hiểu biết chưa sâu về giải pháp để đảm bảo có thể mở rộng trong tương lai, lựa chọn sao cho phù hợp cả về công nghệ và giá cả cho doanh nghiệp mình”.
Khi doanh nghiệp tìm đến nhà tư vấn thì lại không có chỉ tiêu lượng hóa chọn nhà tư vấn đúng và phù hợp. Điều này dẫn đến dù có đơn vị tư vấn, doanh nghiệp vẫn bị loay hoay khi lựa chọn, hoặc chọn không đúng khiến tổn thất cả thời gian và tiền bạc.
Về nội tại, doanh nghiệp cũng còn nhiều rào cản cho việc thực thi ước muốn chuyển đổi số hiệu quả. Đó có thể là là tư duy, nhận thức của lãnh đạo về quản trị và chuyển đổi số chưa đúng; là sự ủng hộ “tiêu cực” của đội ngũ nhân viên, quản lý khi lo lắng về lợi ích nhóm, sợ bị đào thải, sợ lộ, mất dữ liệu, sợ không bảo mật…
Thực tiễn, hiệu quả và trực chiến
Theo ông Phí Anh Tuấn, cần phải tiếp cận chuyển đổi số dưới góc nhìn hiệu năng. Cụ thể là giải pháp phải phù hợp với doanh nghiệp và có trải nghiệm người dùng tốt, trong đó đặc biệt chú trọng sự phù hợp về đáp ứng nghiệp vụ kinh doanh của doanh nghiệp; triển khai phải đúng và tốt, đảm bảo khai thác đúng và đầy đủ tính năng của giải pháp với giá thành hợp lý. Việc tính tổng giá trị đầu tư cho chuyển đổi số cần theo phương thức tổng chi phí sở hữu để đảm bảo chi phí vận hành trong tương lai được tính toán đầy đủ.
Ông Phí Anh Tuấn
Do đặc điểm phát triển rất nhanh của công nghệ, các giải pháp khi áp dụng cần sẵn sàng kết nối để tạo thành hệ sinh thái số giữa doanh nghiệp với đối tác, khách hàng. Đây là một yếu tố đặc biệt mà doanh nghiệp cần quan tâm trong quá trình xây dựng đề án chuyển đổi số, cũng như giải pháp cần chuẩn bi sẵn sàng đáp ứng sự mở rộng và lớn mạnh của doanh nghiệp trong các năm kế tiếp.
Điều này rất quan trọng, tránh cho doanh nghiệp tốn một núi tiền áp dụng công nghệ, nhưng công nghệ đơn vị mình lại không kết nối được với đơn vị khác, tương tự sau vài năm công nghệ mới ra đời thì lại phải bỏ đi.
Để thực thi chuyển đổi số hiệu năng, doanh nghiệp nên chú trọng 4 trụ chính (domain). Cụ thể, cần hiểu đúng về chuyển đổi số không phải là cuộc chơi về công nghệ mà là thay đổi nhận thức của cả chủ lẫn các thành viên trong tổ chức để phát huy hết năng lực sáng tạo trong môi trường số hóa.
Đây cũng không phải là các dự án tin học hóa mà là hình thành tài sản số cho doanh nghiệp khai thác. Tài sản số này phải được làm giàu theo thời gian. Từ việc hiểu đúng về chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ nhận diện đúng được nhu cầu để làm cơ sở cho việc quyết định thực thi đề án chuyển đối số tại doanh nghiệp của mình.
Ông Phí Anh Tuấn nhấn mạnh, khi đã quyết định tham gia vào quá trình thực thi chuyển đối số, doanh nghiệp cần có những bước chuẩn bị một cách cẩn thận vững chắc bằng công tác hoạch định với các nội dung chuyển hóa hay làm gì (What) bằng câu hỏi tôi làm điều này như thế nào (How). Ông lưu ý, “tránh nghĩ việc chuyển đổi số liên quan đến công nghệ thì tôi mua cái công nghệ đó về dùng”. Việc hướng tới “How” giúp xây dựng được tầm nhìn của ban lãnh đạo để có cái nhìn tổng thể và chi tiết.
Lãnh đạo cũng như quản lý doanh nghiệp cần hiểu chuyển đổi số là gì, chuyển đổi số đem lại cái gì…; lập lộ trình chuyển đổi mô hình quản trị doanh nghiệp với công nghệ số, các cải tiến công nghệ, xây dựng văn hóa số, gắn kết nội bộ, lập và tổ chức bộ máy thực hiện cũng như lập lộ trình về hành trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình.
Việc hoạch định chuyển đổi số rất cần nhìn nhận dưới góc độ chuyển đổi số mang lại sự khác biệt gì cho doanh nghiệp, phương pháp luận triển khai thế nào, tính hợp lý và tính khả thi của kế hoạch đề ra.
Doanh nghiệp nên tránh chạy theo hình thức hay KPI với những đề xuất mang tầm vĩ mô thuần túy. “Chuyển đổ số là sự biến chuyển từ nhận thức về lượng sang sự biến chuyển về chất trong doanh nghiệp. Vì vậy, rất cần sự hiểu biết phối hợp giữa người dùng cuối với nhà cung cấp giải pháp thông qua sự kết nối của các đơn vị tư vấn và các chuyên gia,” ông Tuấn chia sẻ.
Thảo Lê