Chiến lược để hoạt hình Việt cất cánh
Thiếu đầu tàu
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội, cho biết, trong khoảng 10 năm gần đây, sự tăng trưởng của phim hoạt hình trong nước khá tốt, chiếm 10%-15% doanh thu trong lĩnh vực điện ảnh.
Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, phim hoạt hình ngoài tính giải trí còn có tác dụng lớn trong việc lan tỏa các thông điệp nhân văn, hay truyền tải tri thức các lĩnh vực: kinh tế, y tế, giáo dục… Khai thác được giá trị của phim hoạt hình sẽ đóng góp lớn cho công nghiệp văn hóa; đồng thời là một cách hữu hiệu để quảng bá hình ảnh, từ đó góp phần xây dựng sức mạnh mềm của quốc gia, thương hiệu quốc gia.
Tuy nhiên, dù ghi nhận sự lớn mạnh của các công ty làm phim hoạt hình tư nhân, nhiều trong số đó đang tham gia vào việc gia công cho các hãng phim lớn của nước ngoài, song tiếc là họ đang nổi lên một cách đơn lẻ, tự làm, tự phát triển. Trong khi đó, để ghi được dấu ấn với khán giả, phim hoạt hình Việt Nam cần có những tác phẩm có tiếng vang, chẳng hạn như những bộ phim hoạt hình lớn, có thời lượng dài, đủ sức để thu hút người xem xếp hàng mua vé tại rạp.
Để làm được điều đó, theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, cần có những người làm phim tên tuổi, dẫn dắt được ngành làm phim hoạt hình Việt Nam.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên cho rằng, hoạt hình Việt Nam cần xây dựng được nhân vật điển hình, tiêu biểu. Nhân vật hoạt hình đó sẽ mang tính biểu tượng, trở thành thương hiệu riêng của hoạt hình Việt, từ đó không chỉ phát triển ở thị trường trong nước mà còn có thể tham dự các liên hoan phim lớn, được công chúng thế giới biết đến.
Xây dựng chiến lược
Khác với nhiều lo lắng về khả năng phát triển của phim hoạt hình trong nước, các nhà sản xuất phim hoạt hình trẻ lại có tâm lý lạc quan. Ông Tạ Mạnh Hoàng, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Sconnect (đơn vị chuyên làm phim hoạt hình cho trẻ em), cho biết, có sản phẩm của công ty đã đạt mức khoảng 3 tỷ lượt người xem. Hoạt hình Việt có nhiều tiềm năng, năng lực sản xuất phim hoạt hình và các sản phẩm liên quan không hề nhỏ, nhưng muốn phát triển để đóng góp cho nền kinh tế và truyền thông văn hóa thì đòi hỏi phải có những hoạch định rõ ràng.
Đi sâu hơn vào việc phát huy tiềm năng của hoạt hình Việt, bà Lê Quỳnh Như, người sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio, khẳng định, các họa sĩ hoạt hình Việt Nam có trình độ, kỹ năng rất tốt. Các họa sĩ của DeeDee Animation Studio đang tham gia đồng sản xuất phim hoạt hình của những nhà làm phim lớn như Disney, Warner Bros, từng tham gia trực tiếp sản xuất các phim hoạt hình điện ảnh của thương hiệu Doraemon.
Các nhà làm phim nước ngoài chọn họa sĩ Việt Nam để hợp tác chính là bảo chứng cho chất lượng họa sĩ trong nước. Cái còn thiếu hiện nay là sự hỗ trợ của Nhà nước, chẳng hạn chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà sản xuất để thu hút nhiều hơn các nhà làm phim quốc tế chọn đối tác Việt Nam cùng làm phim; hay hỗ trợ doanh nghiệp tới các hội chợ phim, liên hoan phim để quảng bá bằng vị thế quốc gia chứ không phải với tư cách một công ty đơn lẻ như hiện nay…
Theo ông Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật - Thiết kế Trường Đại học Văn Lang (TPHCM), cái thiếu lớn để lĩnh vực này phát triển là có được chiến lược phát triển hoạt hình Việt Nam nằm trong chiến lược phát triển văn hóa. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng những chính sách thích hợp để tận dụng các nguồn lực kinh tế, có sự tôn vinh xứng đáng cho người sáng tạo nhằm tạo nên sự phát triển đột phá của hoạt hình Việt Nam, giúp phim hoạt hình Việt có thể đóng góp thực sự cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Giám đốc điều hành Sconnect Tạ Mạnh Hoàng cho biết, kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Indonesia…, nhiều doanh nghiệp chỉ có vài chục người, không có nhiều nguồn lực, nhưng nhờ có hệ thống kết nối tốt, mô hình vận hành hiệu quả mà doanh thu có thể lên tới nhiều chục triệu USD mỗi năm.
MAI AN