Nông nghiệp chuyển mình nhờ ứng dụng công nghệ cao
Tuy nhiên, để người sản xuất, người nông dân tạo nên sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đồng loạt, cần có sự nỗ lực lớn của lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương, cùng sự đồng lòng, quyết tâm học hỏi và đưa vào thực hiện của người sản xuất, để từ đó tạo một bệ phóng vững chắc cho ngành nông nghiệp chuyển mình.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp có thể sẽ mất nhiều chi phí ban đầu hơn so với phương thức sản xuất thông thường, do người sản xuất phải đầu tư các thiết bị phù hợp với công nghệ, quản lý sản xuất.
Nhưng cũng chính từ những trang bị này, người sản xuất sẽ giảm rất nhiều các chi phí liên quan đến sâu bệnh khác về sau. Đây mới là những chi phí thiết yếu và lâu dài, chi cho tất cả các mùa vụ sản xuất. Như vậy, vô hình trung người sản xuất tiết kiệm được rất nhiều vụ, dù đầu tư ban đầu rất cao.
Thêm vào đó, bằng ứng dụng khoa học, kĩ thuật, công nghệ vào sản xuất, sản phẩm làm ra sẽ đạt chất lượng đúng với tiêu chuẩn mà cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng mong muốn.
Chị Nguyễn Thị Kim Thy, đại diện hợp tác xã Rau an toàn Việt, huyện Cần Đước, Long An bày tỏ, với mong muốn đem đến cho khách hàng sản phẩm sạch, chất lượng và bảo vệ môi trường, hợp tác xã quyết định trồng rau hữu cơ. Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt cỏ hoặc sâu, bệnh hại thì hợp tác xã chọn cách làm truyền thống là cho công nhân nhổ cỏ, bắt sâu.
Trường hợp sâu nhiều, hợp tác xã sẽ dùng lá khuynh diệp nấu lên rồi phun diệt trừ sâu. Dù tốn nhiều chi phí và thời gian hơn nhưng sản phẩm đạt hữu cơ 100% và được người tiêu dùng đón nhận. Trung bình, hợp tác xã rau an toàn Việt cung cấp ra thị trường khoảng 300 kg rau/ngày với giá 10.000 đồng/kg, tiêu thụ chủ yếu các siêu thị, cửa hàng rau sạch.
Không riêng sản xuất rau, chăn nuôi bò, nuôi tôm cũng được nhiều người dân ứng dụng công nghệ cao để tạo nên môi trường sống an toàn cho con bò, con tôm. Từ đó tạo nên con tôm, thịt bò chất lượng cung ứng cho người tiêu dùng. Anh Trần Minh Tuấn, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, Long An cho biết, gia đình anh Tuấn có truyền thống nuôi tôm mấy chục năm.
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến tôm chết hoặc năng suất không cao. Vì vậy, anh Tuấn chuyển sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Để nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, kinh phí đầu tư trang thiết bị, cải tạo ao nuôi rất lớn, nhất là phải am hiểu về kỹ thuật nuôi.
Thời gian qua, anh Tuấn được cán bộ ngành nông nghiệp huyện tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhất là tạo điều kiện cho tôi tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Chính sự chia sẻ của các cơ quan chức năng giúp anh mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ khiến cho người sản xuất tăng chi phí đầu tư ban đầu cho trang trại, nhưng về sau những sản phẩm chất lượng được bán với giá cao hơn so với những sản phẩm sản xuất thông thường.
Với “trí thông minh tiêu dùng” hiện nay, người tiêu dùng không còn chọn sản phẩm rẻ, nhiều mà không quan tâm đến chất lượng, bởi chất lượng sản phẩm sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe lâu dài của người tiêu dùng. Chính vì vậy, người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm chất lượng để bảo vệ sức khỏe.
Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Organica chia sẻ, xuất phát từ bữa ăn gia đình, bà Thảo luôn đặt tiêu chí chọn loại thực phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe lên trên hết.
Bởi khi dùng thực phẩm chất lượng, an toàn, thì người tiêu dùng sẽ giảm chi phí đến bệnh viện vì các vấn đề sức khỏe. Để làm ra sản phẩm chất lượng, thì các giải pháp sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ giúp cho sản phẩm đạt được tiêu chí này.
Đó là chưa kể đến khi sản phẩm công nghệ cao được thị trường đón nhận, thì sẽ luôn có giá cao hơn so với các sản phẩm sản xuất thông thường. Cũng từ sự đón nhận này, sẽ giúp cho người sản xuất nâng cao lợi nhuận hơn so với sản xuất thông thường.
Nói đến lợi nhuận cao hơn khi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Hồ Đăng Khoa, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm (tại Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm đang triển khai mô hình chăn nuôi hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ.
Mô hình chăn nuôi này có nhiều ưu điểm nổi bật như: chuồng nuôi sử dụng đệm lót sinh học, bên trên có hệ thống phun sương làm mát nên không gây mùi hôi, không chất thải, kiểm soát dịch bệnh tốt; lợn được nghe nhạc thư giãn…
Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ được triển khai phù hợp với chăn nuôi nông hộ theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nông dân tham gia được doanh nghiệp cung cấp giống heo nái hậu bị, thức ăn chăn nuôi, tập huấn kiến thức nuôi heo hữu cơ, cử cán bộ kỹ thuật về tận nơi sản xuất hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về quy trình, kỹ thuật...
Đặc biệt, khi tham gia quy trình sản xuất này, nông dân sẽ làm chủ được công nghệ và quy trình sản xuất khi tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ hoặc tự trồng để giảm chi phí đầu vào.
Chất thải trong chăn nuôi được xử lý thành phân bón sử dụng cho trồng trọt, vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng giá trị gia tăng trong sản xuất. Chính từ những chi phí giảm này là nguồn lợi nhuận cho người sản xuất khi tham gia ứng dụng công nghệ cao, ông Khoa cho biết thêm./.
Hồng Nhung/TTXVN