Chăn nuôi kết hợp trồng trọt: Mô hình kinh tế tuần hoàn cho nông hộ
Mô hình này cũng đã hình thành được một số chuỗi liên kết bền vững với sự tham gia của doanh nghiệp, HTX, nông dân.
* Hiệu quả cao
Trước đây, chăn nuôi kết hợp trồng trọt là mô hình kinh tế hiệu quả được nông dân ứng dụng nhiều. Trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp đối mặt nhiều thách thức vì chi phí đầu vào, nhất là phân bón tăng cao, giá nông sản bấp bênh thì mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Lâm Phú, nông dân xã Phú Hòa (H.Định Quán) là hộ sản xuất giỏi tại địa phương với mô hình 0,8ha trồng cây ăn trái và trồng cỏ nuôi 90 con dê. Theo ông Phú, mô hình này mang lại lợi nhuận tốt vì ông tự trồng cỏ và tận dụng nguồn rau, lá trong vườn để nuôi dê nên chi phí thức ăn chăn nuôi không quá tốn kém. Phân và chất thải được ông đem ủ làm phân bón hữu cơ sử dụng cho cây trồng.
Ông Phú tính toán: “Với việc tự ủ phân hữu cơ, gia đình tôi giảm 50-60% chi phí mua phân bón hóa học, cây trồng lại phát triển tốt. Giá bán dê thương phẩm khá ổn định nên không lo thua lỗ. Nhờ đầu tư song song chăn nuôi và trồng trọt, nông dân yên tâm vẫn có lợi nhuận ngay cả thời điểm giá nhiều loại trái cây giảm sâu”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thịnh (ngụ xã Phú Hòa, H.Định Quán) cho biết, nông dân có thể làm giàu với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Gia đình ông có gần 3ha đất trồng trọt, nuôi gần 100 con dê để có nguồn phân chuồng chăm bón lại vườn cây. Ngoài trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, bưởi, ông còn trồng xen canh thêm dừa xiêm lùn, mít Thái. Vợ chồng ông tự bỏ công làm chứ không thuê thêm lao động bên ngoài.
Theo ông Thịnh: “Gia đình tôi nuôi dê để lấy phân chăm bón cho vườn cây vừa giúp tăng thêm thu nhập. Chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình dựa vào nguồn thu của 100 cây dừa xiêm lùn. Nguồn thu từ chăn nuôi và các loại cây trồng khác, một phần tái đầu
* Xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - trồng trọt
Nhằm phát huy hiệu quả của mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, tại nhiều địa phương, nông dân bắt tay xây dựng chuỗi liên kết; thậm chí có mô hình thu hút được doanh nghiệp đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững.
Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi dê Văn Phong tại xã Phú Lập (H.Tân Phú) Nguyễn Văn Phong vinh dự là một trong 4 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc của tỉnh Đồng Nai năm 2022 với mô hình làm vườn kết hợp nuôi dê, heo rừng. Ông đứng ra vận động 27 xã viên tham gia HTX với vốn điều lệ 1,7 tỷ đồng phát triển tổng đàn dê 1,7 ngàn con và 40 con heo rừng giống sinh sản theo mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Các xã viên có thu nhập cao, ổn định nhờ có HTX làm đầu mối kết nối đầu ra cho bà con.
UBND tỉnh đã ký kết hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM) trong phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: chăn nuôi, lúa, rau đậu các loại, cây ăn trái…
Hiện Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm triển khai các mô hình thí điểm trồng lúa và chăn nuôi heo hữu cơ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mô hình chăn nuôi heo hữu cơ kết hợp với trồng trọt đang phát huy hiệu quả cao. Tham gia chuỗi liên kết, nông dân được cung cấp giống heo nái hậu bị, thức ăn chăn nuôi, tập huấn kiến thức nuôi heo hữu cơ... Ưu điểm nổi bật của mô hình này, nông dân tận dung nguồn rau cỏ, thảo dược tự trồng trong vườn làm thức ăn chăn nuôi, đồng thời tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Ông Huỳnh Ngọc Tây, nông dân tham gia thí điểm nuôi heo hữu cơ tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán) chia sẻ: “Tôi mua máy xay, nghiền, ép để tự sản xuất thức ăn chăn nuôi cho heo từ nguồn rau, bắp, đậu trồng trong vườn. Đồng thời tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như nguồn trái chuối tươi xuất khẩu bỏ đi để phơi khô, ép làm viên thức ăn chăn nuôi. Với mô hình này, sản xuất nông nghiệp của tôi hoàn toàn không có rác thải lại giảm được từ 30-50% chi phí thức ăn chăn nuôi. Vườn cây hầu như không tốn chi phí mua phân bón hóa học mà vẫn phát triển tốt nhờ nguồn phân bón hữu cơ từ chăn nuôi”.
Theo ông NGUYỄN HỒNG LAM, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, doanh nghiệp đã hoàn thiện được một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn tiên tiến nhất, gắn kết giữa trồng trọt, chăn nuôi, khép kín đầu vào và đầu ra. Khi tham gia quy trình sản xuất này, nông dân sẽ làm chủ được công nghệ và quy trình sản xuất chứ không phụ thuộc vào doanh nghiệp.
Bình Nguyên