Sản phẩm khả dụng tối thiểu (Minimum viable product - MVP) là gì?
Mục Lục
Sản phẩm khả dụng tối thiểu
Sản phẩm khả dụng tối thiểu trong tiếng Anh gọi là: Minimum viable product - MVP.
Sản phẩm khả dụng tối thiểu là kiểu mẫu của một sản phẩm mới được tạo ra càng nhanh càng tốt, cho phép công ty học hỏi được kiểm chứng tối đa từ khách hàng với ít nỗ lực đầu vào và thời gian nhất (Ries, 2009).
Maurya (2012) cho rằng có khả năng dẫn đến lãng phí và tốn rất nhiều thời gian khi xây dựng giải pháp đúng cho vấn đề sai hoặc khi sở hữu quá nhiều thuộc tính không mong muốn của sản phẩm. Giải pháp của Maurya là xây dựng vừa đủ câu trả lời cho các vấn đề của khách hàng với mục đích đạt được phản hồi của họ.
Sản phẩm khả dụng tối thiểu là một trong những thành phần chính của phương pháp khởi nghiệp tinh gọn.
Các thành phần khác là:
- Vòng lặp phản hồi Xây dựng - Đo lường - Học hỏi
Vòng lặp phản hồi Xây dựng - Đo lường - Học hỏi đặt khách hàng vào vai trò trung tâm, cho phép quan sát, tương tác và học hỏi từ khách hàng (Ries, 2011), tập trung vào phát triển giá trị khách hàng trong khi giảm thiểu nguy cơ quá tập trung vào giải pháp đơn thuần (Bosch & cộng sự, 2013).
+ Xây dựng: Hoàn thiện một vài tính năng quan trọng và phát hành phiên bản đầu tiên của sản phẩm. Bên cạnh quan điểm chủ quan của người hình thành ý tưởng sản phẩm về đánh giá giá trị mang lại cho khách hàng và tính khả thi tài chính, điều cơ bản vẫn phải nhìn từ phía khách hàng để củng cố quan điểm ấy.
+ Đo lường: Đưa sản phẩm đã được xây dựng đến với khách hàng tiềm năng để đánh giá tính hiệu quả dựa vào phản hồi của họ. Để đo lường, số liệu thu thập phải tin cậy và xác định được mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa tính năng mới của sản phẩm và tác động của nó gây ra.
+ Học hỏi: Tiếp nhận các phản hồi từ khách hàng sẽ giúp công ty có những cải tiến cần thiết ở sản phẩm để đáp ứng tốt nhất sự kì vọng của họ.
- Trọng tâm và bảo tồn
Sau khi sản phẩm tung ra thị trường, tính hiệu quả có thể được đo lường theo phương pháp định lượng và định tính. Khi đó, sản phẩm nào được thị trường chấp nhận sẽ tiếp tục phát triển, ngược lại sẽ bị loại bỏ.
Theo Ries (2011), đây là giai đoạn lựa chọn tập trung/trọng tâm (thay đổi khía cạnh của chiến lược hiện tại) hay kiên trì/bảo tồn (tiếp tục với chiến lược hiện tại).
(Tài liệu tham khảo: Phương pháp khởi nghiệp tinh gọn: Lợi ích và thách thứ, ThS. Phan Anh Tiến, Tạp chí Công thương)