Nguồn thông tin cạnh tranh (Competitive Intelligence Source) là gì?
Mục Lục
Nguồn thông tin cạnh tranh (Competitive Intelligence Source)
Nguồn thông tin cạnh tranh trong tiếng Anh gọi là Competitive Intelligence Source.
Nguồn thông tin cạnh tranh là nơi có thể thu thập thông tin tình báo về đối thủ cạnh tranh giúp cho các doanh nghiệp hiểu biết được đối thủ của mình, từ đó đưa ra các quyết định marketing hữu hiệu.
Các nguồn thông tin cạnh tranh cơ bản
Có 4 nguồn tin cơ bản mà doanh nghiệp có thể thu thập thông tin về đối thủ cạnh tranh.
Những nhân viên của các đối thủ cạnh tranh và những người mới tuyển dụng
Doanh nghiệp có thể có được thông tin về đối thủ cạnh tranh, chiến lược và chính sách phát triển của họ từ những cuộc phỏng vấn xin việc hay từ các cuộc nói chuyện với công nhân viên của đối thủ cạnh tranh.
Một số doanh nghiệp tìm cách đăng thông báo tuyển dụng với chế độ lương thưởng hấp dẫn chỉ để moi thông tin từ những người có kinh nghiệm về lĩnh vực mà họ quan tâm.
Họ còn tìm cách lôi kéo được những người chủ chốt của đối thủ cạnh tranh bởi đó là nguồn cung cấp thông tin đầy đủ và quan trọng cho các quyết định chiến lược của doanh nghiệp.
Các chuyên gia mà doanh nghiệp cử đi dự các cuộc triển lãm hoặc các chương trình giới thiệu sản phẩm mới, các cuộc hội nghị khách hàng, các chương trình hội thảo của đối thủ... sẽ có khả năng thu thập được những thông tin quí báu về chiến lược, chiến thuật và khả năng cạnh tranh của đối thủ.
Từ những người có quan hệ với đối thủ
Những khách hàng chủ chốt, những khách hàng có qui mô lớn hay có ảnh hưởng lớn tới những người khác luôn là nguồn cung cấp thông tin về chiến lược lôi kéo khách hàng của đối thủ đáng tin cậy.
Những người này luôn sẵn lòng cung cấp thông tin về chiến lược của đối thủ cạnh tranh cho doanh nghiệp bởi họ muốn qua đó đòi hỏi nhiều quyền lợi hơn khi tham gia trao đổi với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đôi khi họ lại nói quá về các chiến lược lôi kéo khách hàng của đối thủ cạnh tranh nên khi thu thập thông tin từ họ, doanh nghiệp cũng cần có cách thức kiểm tra lại.
Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp đã cử nhân viên làm việc miễn phí cho khách hàng để thu thập thông tin chính xác về chiến lược của đối thủ canh tranh.
Mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân viên của doanh nghiệp với khách hàng lớn có thể còn cho phép họ thu thập được thông tin về chiến lược mà đối thủ sẽ sử dụng trong tương lai gần như việc đưa ra sản phẩm mới, áp dụng một mức giá hay một chương trình khuyến mại nào đó.
Từ những tài liệu đã xuất bản, những nguồn cung cấp thông tin công cộng
Những thông tin có trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ cho phép doanh nghiệp dự báo được xu hướng phát triển của thị trường, của các đối thủ cạnh tranh và cả những nhận định của công chúng, của đối thủ cạnh tranh về các chiến lược mà doanh nghiệp đang sử dụng.
Đó là một trong những nền tảng để doanh nghiệp hoàn chỉnh chiến lược marketing cũng như chiến lược kinh doanh của mình. Ngoài ra, xu hướng phát triển của công nghệ, những qui định luật pháp hay những thông tin về văn hóa của khách hàng cũng luôn sẵn có trên các tài liệu công.
Các nguồn dữ liệu thứ cấp cung cấp thông tin về đối thủ cạnh tranh sẵn có cho các nhà quản trị marketing thường bao gồm:
- Các nguồn nội bộ doanh nghiệp
- Các báo cáo hàng năm của các công ty
- Các đăng kí phát minh sáng chế và bảo hộ nhãn hiệu
- Các tạp chí kinh doanh và thương mại
- Các công ty tư vấn
- Các hiệp hội thương mại
- Các quảng cáo thương mại
- Dịch vụ dữ liệu điện tử
Theo dõi các đối thủ cạnh tranh
Để phân tích chính xác chiến lược hiện thời hay sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp có thể theo dõi từng đường đi nước bước của đối thủ.
Họ có thể còn mua ngay những sản phẩm mới của đối thủ cạnh tranh, nghiên cứu từng bộ phận để phân tích xem đối thủ cạnh tranh đã có chiến lược và cách thức sản xuất, marketing và phát triển sản phẩm như thế nào.
Để xác định lợi nhuận của đối thủ, họ còn xem xét từng bộ phận chi phí và so sánh nó với giá bán thực tế đối thủ áp dụng cho sản phẩm để từ đó xem xét khả năng thành công khi họ cũng phát triển sản phẩm ấy.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)