1. Bất động sản

Lí thuyết vị trí trung tâm (Central Place Theory) là gì?

Mục Lục

Lí thuyết vị trí trung tâm (Central Place Theory)

Lí thuyết vị trí trung tâm - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Central Place Theory.

Lí thuyết vị trí trung tâm là nghiên cứu dựa vào quan hệ cung cầu, từ đó xác định các điểm dân cư được phân bố có mối quan hệ khăng khít với các vùng phục vụ tương ứng bao quanh chúng theo nguyên tắc kinh tế xã hội mà không phụ thuộc vào địa điểm và thời gian. (Theo Lí thuyết qui hoạch đô thị, Trường ĐH Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh)

Nội dung lí thuyết vị trí trung tâm

Các nhà nghiên cứu đã phát triển lí thuyết vị trí trung tâm bằng đề xuất cấu trúc phân cấp tầng bậc trong vùng hệ thống điểm dân cư, được gọi là lí luận phân bố điểm dân cư. 

Walter Christaller khi xây dựng lí thuyết vị trí trung tâm đã giả định một số điểm sau: Có nhiều người bán chung những loại hàng hóa. Các điểm bán được định vị chung trên một mạng tam giác. Vùng thị trường xung quanh là đẳng hướng. Khách hàng chi trả chi phí giao thông. Có những qui mô kinh tế khác nhau trong quá trình sản xuất. Không gian kinh tế là đồng tính.

Để xây dựng lí thuyết vị trí trung tâm, Walter Christaller đã đi sâu vào giải thích những mối quan hệ giữa giá cả, lượng tiêu thụ hàng hóa và chi phí giao thông. Như vậy vùng thị trường ở đây là ranh giới phụ thuộc vào 2 thành tố: Thứ nhất là ranh giới xa nhất mà ở đó khách hàng chấp nhận chi phí giao thông đến trung tâm mua một loại sản phẩm.

Hai là ranh giới nào mà trong khu vực đó có lượng khách hàng tiêu thụ của trung tâm, đảm bảo duy trì sự hoạt động của trung tâm. Ông đã đưa ra 2 khái niệm "ngưỡng" (threshold) "phạm vi" (range), mà trong đó: Khái niệm ngưỡng chỉ mức độ tối thiểu về nhu cầu để duy trì một loại dịch vụ. Khái niệm phạm vi chỉ khoảng cách tối đa mà một người mua có thể chấp nhận trả chi phí cho các dịch vụ kể cả chi phí giao thông.

Những đóng góp quan trọng của lí thuyết vị trí trung tâm

Thứ nhất

Walter Christaller đã phát triển mô hình 7 loại điểm trung tâm (điểm dân cư) theo hình lục giác tại miền nam nước Đức. Mỗi một điểm dân cư đều có vùng ảnh hưởng qua lại giữa chúng và mỗi một điểm dân cư cấp thấp đều có một điểm dân cư cấp cao hơn cùng vùng của nó chi phối ảnh hưởng. 

Quan điểm qui hoạch hệ thống điểm dân cư này đã được ứng dụng và phát triển trong công tác qui hoạch vùng tại các quốc gia, đặc biệt các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô cũ.

Thứ hai

Hai phạm trù ngưỡng và phạm vi của một trung tâm mua sắm hiện nay vẫn còn nguyên giá trị và là cơ sở lí luận, là ứng dụng cho các bài toán tổ chức hệ thống trung tâm dịch vụ công cộng nói riêng và hệ thống trung tâm dịch vụ công cộng đô thị bên trong lãnh thổ đô thị lớn.

Thứ ba

Lí thuyết vị trí điểm trung tâm đề xuất tách biệt 3 nguyên tắc quan hệ: thương mại, giao thông, hành chính của một trung tâm mua sắm. Khi mà hiện nay, các mối quan hệ này thường xuất hiện đồng thời với những mức độ ảnh hưởng khác nhau đến yếu tố vùng phục vụ của các trung tâm mua sắm trong lãnh thổ đô thị.

Tuy nhiên mối quan hệ ảnh hưởng giữa các trung tâm phục vụ công cộng đô thị trong qui luật thị trường hiện nay (sự cạnh tranh, qui luật cung cầu...) cũng không khác nhiều thì những đề xuất về quan hệ hình thành các trung tâm mua sắm lớn hơn và công thức tính toán vị trí giữa các trung tâm mua sắm vẫn là cơ sở để cân nhắc áp dụng trong các bài toán về sự định vị vị trí các công trình trung tâm dịch vụ công cộng đô thị hiện đại. (Theo Lí thuyết qui hoạch đô thị, Trường ĐH Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh)

Thuật ngữ khác