Chiến lược marketing phân biệt (differentiated marketing strategy) là gì?
Mục Lục
Chiến lược marketing phân biệt
Chiến lược marketing phân biệt trong tiếng Anh gọi là: differentiated marketing strategy.
Khi áp dụng chiến lược này, doanh nghiệp quyết định tham gia vào nhiều đoạn thị trường và áp dụng những chương trình marketing riêng biệt cho từng đoạn.
Thay vì việc cung ứng một loại sản phẩm, áp dụng một chương trình marketing cho tất cả mọi khách hàng, doanh nghiệp cung ứng những sản phẩm khác nhau, với nhiều mức giá bán, nhiều kiểu xúc tiến cho từng nhóm khách hàng.
Ưu điểm
Chiến lược marketing phân biệt tỏ ra ưu thế hơn chiến lược marketing không phân biệt trong việc đáp ứng nhu cầu và ước muốn đa dạng của thị trường. Bằng việc đa dạng hóa sản phẩm và các nỗ lực marketing, doanh nghiệp có khả năng gia tăng doanh số và xâm nhập sâu hơn vào nhiều đoạn thị trường.
Chẳng hạn, doanh nghiệp sữa Vinamilk nhờ đưa ra một danh mục sản phẩm sữa đa dạng về chất lượng, kiểu dáng, đặc tính nên doanh số của họ ngày càng gia tăng. Ưu thế nổi trội của chiến lược này chính là đáp ứng được những thị hiếu đa dạng của khách hàng.
Nhược điểm
Bất lợi phải kể đến của chiến lược này là doanh nghiệp phải đối phó với sự gia tăng về chi phí bỏ ra trong sản xuất và thương mại.
Đặc biệt là những chi phí cải tiến sản phẩm, sản xuất (để sản xuất 10 đơn vị của 10 loại sản phẩm khác nhau đòi hỏi phải bỏ ra chi phí lớn hơn so với việc sản xuất 100 đơn vị sản phẩm cùng loại), lưu kho, hoạt động marketing (quảng cáo, nghiên cứu thị trường)
Vì marketing phân biệt làm tăng cả mức tiêu thụ lẫn chi phí nên khó có thể đưa ra được kết luận về khả năng sinh lời. Vấn đề trọng tâm khi áp dụng chiến lược này, doanh nghiệp phải cân đối được số đọan thị trường và qui mô của từng đoạn.
Việc chọn số lượng đoạn quá lớn dẫn đến phải cung ứng quá nhiều mặt hàng cho qui mô của từng đoạn thị trường quá nhỏ, thường không có hiệu quả.
Nguyên tắc chung của áp dụng chiến lược này là "giảm phân đoạn" hoặc "mở rộng phần cơ bản" để tiêu thụ một khối lượng lớn hơn cho mỗi loại nhãn hiệu, sao cho tốc độ tăng của chi phí thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu.
Trường hợp áp dụng
Chiến lược marketing phân biệt dược áp dụng phổ biến ở những doanh nghiệp lựa chọn thị trường mục tiêu theo phương án chuyên môn hóa sản phẩm, chuyên môn hóa thị trường hoặc bao phủ thị trường và khi sản phẩm đang ở giai đoạn bão hòa của chu kì sống.
(Tài liệu tham khảo: Marketing căn bản, GS.TS. Trần Minh Đạo, 2018, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)