1. Quản trị kinh doanh

Lí thuyết quản trị tân cổ điển (Neoclassical Theory of Management) là gì?

Mục Lục

Lí thuyết quản trị tân cổ điển

Lí thuyết quản trị tân cổ điển trong tiếng Anh là Neoclassical Theory of Management.

Lí thuyết quản trị tân cổ điển nỗ lực kết hợp khoa học hành vi vào tư duy quản lí để giải quyết các vấn đề phát sinh từ việc thực hành lí thuyết quản trị cổ điển. Tiền đề của việc kết hợp này dựa trên ý tưởng rằng vai trò của quản trị là sử dụng nhân viên để hoàn thành công việc trong tổ chức.

Thay vì tập trung vào sản xuất, cấu trúc hoặc công nghệ, lí thuyết quản trị tân cổ điển quan tâm đến nhân viên. Các nhà lí thuyết tân cổ điển tập trung vào việc trả lời các câu hỏi liên quan đến cách tốt nhất để thúc đẩy, cấu trúc và hỗ trợ nhân viên trong tổ chức.

Các phong trào trong lí thuyết quản trị tân cổ điển

Quan hệ con người

Phong trào quan hệ con người là kết quả trực tiếp từ các nghiên cứu Hawthorne của Elton Mayo và Fritz J. Roethlisberger, được thiết kế để tìm cách tăng năng suất của công nhân tại bằng cách đánh giá các điều kiện làm việc liên quan đến những điều như mức độ chiếu sáng, thời gian nghỉ ngơi, và độ dài của một ngày làm việc. 

Trong quá trình thử nghiệm, năng suất của những người tham gia thí nghiệm đã tăng lên nhưng nguyên nhân trực tiếp không phải là do những điều kiện mà Mayo và Roethlisberger đang áp dụng.

Do không thể tìm được mối tương quan giữa sự gia tăng năng suất và các điều kiện làm việc, các nhà nghiên cứu đã quan sát thêm và  cuối cùng đưa ra được kết luận rằng năng suất tăng là do tinh thần nhân công cao. 

Sự tăng cường tinh thần và năng suất này được gián tiếp gây ra bởi những thay đổi của  điều kiện làm việc mà những nhà nghiên cứu gây ra, bao gồm:

- Công nhân cảm thấy mình đặc biệt vì họ được chọn tham gia nghiên cứu và được các nhà nghiên cứu chú ý rất nhiều.

- Công nhân phát triển mối quan hệ mạnh mẽ với nhau và với người giám sát của họ khi họ xác định cách quản lí công việc với nhau theo cấu trúc mới. Tất cả mọi người đều coi trọng sự đóng góp của đồng nghiệp.

- Các mối quan hệ gắn bó giữa các cá nhân cũng tạo ra một môi trường làm việc dễ chịu và thú vị.

Các kết luận của các nghiên cứu Hawthorne đã minh họa tầm quan trọng của việc xem xét nhu cầu quan hệ xã hội và con người của người lao động. Trên thực tế, phần thưởng tài chính tạo ra được ít động lực và năng suất hơn là đáp ứng nhu cầu về quan hệ xã hội và con người của công nhân. 

Hành vi

Thời bấy giờ, với phong trào quan hệ con người diễn ra mạnh mẽ, các nhà lí thuyết ngày càng quan tâm tới việc khám phá bản thân nhân công và bản chất của công việc. Do các công nhân phải thực hiện cùng một nhiệm vụ ngày này qua ngày khác, các kĩ năng và khả năng cá nhân của họ không được thách thức.

Phong trào hành vi đã thay đổi tất cả bằng cách nghiên cứu các cách để giúp nhân viên tìm thấy sự hài lòng cá nhân trong công việc bằng cách tạo ra những công việc có ý nghĩa. Lí thuyết hành vi của suy nghĩ dựa trên công trình của Abraham Maslow, Douglas McGregor, Frederick Herzberg và David McClelland đều tìm cách giúp thúc đẩy nhân viên dựa trên nhu cầu cá nhân của họ. 

Các nhà tâm lí học hành vi lập luận rằng mỗi người đều có một mong muốn là hướng tới sự phát triển và đạt được thành tựu cá nhân. Do đó, bên cạnh việc trả đủ lương và cho công nhân thấy họ được các nhà quản lí coi trọng, nhà tuyển dụng cũng phải cung cấp cho họ một con đường phát triển và gặt hái thành tích cá nhân.

(Theo study.com)

Thuật ngữ khác