Tháo chạy vốn (Capital Flight) là gì? Cách chính phủ đối phó với tháo chạy vốn
Mục Lục
Tháo chạy vốn
Tháo chạy vốn trong tiếng Anh là Capital Flight.
Tháo chạy vốn là sự dịch chuyển tài sản tài chính và vốn qui mô lớn khỏi một quốc gia do các sự kiện như bất ổn chính trị hoặc kinh tế, mất giá tiền tệ hoặc áp dụng kiểm soát vốn.
Tháo chạy vốn có thể là hợp pháp như trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn quay về nước họ hoặc bất hợp pháp khi xảy ra ở các nền kinh tế có kiểm soát vốn, hạn chế việc chuyển tài sản ra khỏi đất nước.
Tháo chạy vốn tạo ra gánh nặng cho các quốc gia nghèo hơn vì thiếu vốn cản trở tăng trưởng kinh tế và có thể dẫn đến mức sống thấp hơn. Có một nghịch lí là các nền kinh tế mở nhất lại ít chịu tổn thương nhất khi xảy ra tháo chạy vốn, vì tính minh bạch và tính mở của giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư đối với triển vọng trong dài hạn của các nền kinh tế đó.
Cách chính phủ đối phó với tháo chạy vốn
Các chính phủ sử dụng nhiều chiến lược để đối phó với hậu quả của tháo chạy vốn, ví dụ như thiết lập các biện pháp kiểm soát vốn để hạn chế dòng tiền trong nước chảy ra nước ngoài.
Nhưng giải pháp này không phải luôn là tối ưu vì có thể làm suy giảm nền kinh tế và dẫn đến sự hoảng loạn lớn hơn nữa trong tình thế này. Bên cạnh đó, sự phát triển của những công nghệ mới siêu quốc gia, như bitcoin, có thể phá vỡ các kiểm soát như vậy.
Một chiến thuật khác thường được các chính phủ sử dụng là kí kết các hiệp ước thuế với những khu vực khác. Một trong những lí do khiến tháo chạy vốn là một lựa chọn hấp dẫn là bởi vì chuyển tiền không dẫn đến hình phạt thuế.
Bằng cách biến việc chuyển một khoản tiền lớn qua biên giới trở nên tốn kém, các quốc gia có thể tước bỏ một số lợi ích thu của giao dịch đó.
Chính phủ cũng tăng lãi suất để làm cho đồng nội tệ trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Hiệu ứng tổng thể của việc tăng lãi suất là gia tăng giá trị của đồng nội tệ. Nhưng lãi suất tăng cũng làm cho hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ và làm tăng chi phí kinh doanh. Một tác động xấu khác của tăng lãi suất là lạm phát lớn hơn.
Ví dụ về tháo chạy vốn bất hợp pháp
Tháo chạy vốn bất hợp pháp thường diễn ra ở các quốc gia có sự kiểm soát vốn và tiền tệ nghiêm ngặt. Ví dụ, qui mô của tháo chạy vốn trong những năm 1970 và 1980 tại Ấn Độ đã lên tới hàng tỉ đôla do các kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt.
Ấn Độ đã tự do hóa nền kinh tế vào những năm 1990, đảo ngược cuộc tháo chạy vốn khi vốn nước ngoài đổ vào nền kinh tế đang hồi sinh của nước này.
Tháo chạy vốn cũng có thể xảy ra ở các quốc gia nhỏ hơn bị bao vây bởi những bất ổn chính trị hoặc các vấn đề kinh tế. Ví dụ như Argentina đã phải hứng chịu tình trạng tháo chạy vốn trong nhiều năm do tỉ lệ lạm phát cao và đồng nội tệ giảm giá.
(Theo investopedia)