Giao dịch kĩ thuật (Technical trading) là gì? Đặc điểm và một số chỉ số kĩ thuật phổ biến
Mục Lục
Giao dịch kĩ thuật
Giao dịch kĩ thuật trong tiếng Anh là Technical trading.
Giao dịch kĩ thuật là một phong cách giao dịch trong đó một kĩ thuật viên sử dụng các mẫu dữ liệu giao dịch trong lịch sử để dự đoán những gì có thể xảy ra với cổ phiếu trong tương lai. Đây là phương pháp tương tự được thực hiện bởi các nhà kinh tế và nhà khí tượng học: nhìn vào dữ liệu lịch sử để có cái nhìn dự đoán về tương lai.
Đặc điểm và hạn chế của giao dịch kĩ thuật
Những nhà giao dịch kĩ thuật tập trung vào các biểu đồ và đồ thị. Họ theo dõi đường di chuyển trên biểu đồ chứng khoán hoặc biểu đồ chỉ số, để nhận biết các dấu hiệu hội tụ hoặc phân kì, từ đó có thể chỉ ra tín hiệu mua hoặc bán.
Thách thức của phân tích kĩ thuật là có hàng trăm chỉ số kĩ thuật có sẵn, và không có chỉ số duy nhất nào được coi là tốt hơn vì mỗi chỉ số hoặc nhóm chỉ số cụ thể, chỉ có thể được áp dụng cho các trường hợp cụ thể.
Một số chỉ số kĩ thuật có thể hữu ích cho một số ngành nhất định, một số khác chỉ dành cho các cổ phiếu thuộc một phân loại nhất định (ví dụ: các cổ phiếu trong một phạm vi thanh khoản hoặc vốn hóa thị trường nhất định). Do các mô hình đặc biệt được thể hiện bởi các cổ phiếu được giao dịch nhiều trong lịch sử, nên một số chỉ số có thể chỉ áp dụng được với một số cổ phiếu riêng lẻ.
Các chỉ báo kĩ thuật, như các chỉ báo động lượng, không phải là yếu tố then chốt để quyết định khi nào nên mua hay bán. Những chỉ số này dự đoán thời gian chính xác kém, nhưng chúng lại rất có ích trong việc chỉ ra cổ phiếu nào là cổ phiếu tiềm năng để phân tích sâu hơn với dữ liệu chi tiết.
Như vậy, sử dụng phân tích kĩ thuật có thể được xem như một điểm khởi đầu, các mô hình trong quá khứ chưa chắc đã vẽ nên một bức tranh chính xác về hiệu suất trong tương lai.
Một số chỉ số kĩ thuật phổ biến
1. Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI)
Chỉ số này đo lường hiệu suất gần đây của một cổ phiếu liên quan đến hiệu suất trong quá khứ của nó bằng cách so sánh số lượng giao dịch và mức độ tăng giảm giá gần đây và trong quá khứ. Nếu chỉ số RSI tăng trên 80, điều này có thể cho thấy tình trạng được quá mua, đó là tín hiệu bán. Dưới 20, chỉ số RSI có thể chỉ ra một cổ phiếu được quá bán, đó là tín hiệu mua.
2. Phạm vi giao dịch
Giá cao, giá thấp và giá đóng cửa được vẽ trên biểu đồ trong một khoảng thời gian nhất định, và các mức hỗ trợ và mức kháng cự được vẽ trên đáy và đỉnh của phạm vi. Một đột phá xảy ra khi giá tiếp tục duy trì xu hướng thay đổi trên hoặc dưới phạm vi.
3. Phân tích mô hình
Đây có thể là hình thức phân tích kĩ thuật dễ hiểu nhất. Các biểu đồ giá tương tự như ở trên được phân tích cho các mô hình cụ thể đã từng xuất hiện ở cùng một cổ phiếu, hoặc cho các mô hình phổ biến đã được nhìn thấy ở nhiều cổ phiếu khác theo thời gian. Các mô hình được quan sát phổ biến nhất là các mô hình đầu và vai, mô hình tam giác lên hoặc hình tam giác xuống, đỉnh tròn hoặc đáy tròn, mô hình cốc và tay cầm, v.v.
4. Phân tích xu hướng
Đây là phương pháp xem xét các xu hướng ngắn và dài hạn và cố gắng xác định các giao thoa, trong đó giá vượt qua mức giá trung bình dài hạn. Các đường trung bình dài hạn được gọi là đường trung bình trượt, trong đó phạm vi giá được làm mịn trong một khoảng thời gian bằng cách lấy trung bình các điểm dữ liệu và vẽ đường được làm mịn theo đường giá thực tế của cổ phiếu.
5. Phân tích chênh lệch
Khoảng cách xảy ra khi giá mở cửa của một cổ phiếu cao hơn hoặc thấp hơn đáng kể so với giá đóng cửa của ngày hôm trước, có thể là do tin tức của công ty được phát hành trong đêm hoặc một số yếu tố khác. Nhà giao dịch khoảng cách quan tâm đến hiệu suất của cổ phiếu trên hoặc dưới mức giá mở cửa của nó, điều này có thể cho thấy sự dịch chuyển giá của cổ phiếu sau đó theo một trong hai hướng.
(Theo Investopedia)