Chi thường xuyên (Frequent expenditure) của Ngân sách Nhà nước là gì?
Mục Lục
Chi thường xuyên của Ngân sách Nhà nước
Chi thường xuyên dịch sang tiếng Anh là Frequent expenditure.
Chi thường xuyên của Ngân sách Nhà nước là quá trình phân phối, sử dụng vốn từ quĩ Ngân sách Nhà nước để đáp ứng cho các nhu cầu chi gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước về lập pháp, hành pháp, tư pháp và một số dịch vụ công cộng khác mà Nhà nước vẫn phải cung ứng.
Phân loại
- Nếu xét theo từng lĩnh vực chi
Nếu phân loại theo tiêu thức này, thì nội dung chi thường xuyên của Ngân sách Nhà nước bao gồm:
+ Chi cho các hoạt động sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn - xã
Hoạt động sự nghiệp văn - xã thuộc phạm vi chi thường xuyên của Ngân sách Nhà nước bao gồm nhiều loại hình đơn vị tham gia vào lĩnh vực này, như: các đơn vị sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo; sự nghiệp Y tế; sự nghiệp Văn hoá - Nghệ thuật; Thể dục - Thể thao; Thông tấn, báo chí; Phát thanh - Truyền hình; .v.v.,
+ Chi cho các hoạt động sự nghiệp kinh tế của Nhà nước
Việc thành lập các đơn vị sự nghiệp kinh tế để phục vụ cho hoạt động của mỗi ngành và phục vụ chung cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân là hết sức cần thiết.
Trong điều kiện của nước ta hiện nay, hầu như ngành nào cũng có một số đơn vị sự nghiệp kinh tế do ngành đó quản lí.
Tuy nhiên, kết quả do hoạt động của các đơn vị sự nghiệp kinh tế này tạo ra không nhất thiết chỉ mang lại lợi ích riêng cho một ngành đó, mà nhiều khi lại là lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
+ Chi cho các hoạt động quản lí Nhà nước
Khoản chi này phát sinh ở hầu hết các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Bởi với chức năng quản lí toàn diện mọi hoạt động kinh tế, xã hội nên bộ máy quản lí Nhà nước đã được thiết lập từ Trung ương đến địa phương và có ở mọi ngành kinh tế quốc dân.
+ Chi cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác được cấp kinh phí từ Ngân sách Nhà nước
Được xếp vào các tổ chức này bao gồm: Đảng Cộng Sản Việt Nam và các tổ chức Chính trị -x ã hội như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tập thể, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tổng Liên đoàn lao động.
+ Chi cho Quốc phòng - An ninh và trật tự, an toàn xã hội
Phần lớn số chi Ngân sách Nhà nước cho Quốc phòng - An ninh được tính vào cơ cấu chi thường xuyên của Ngân sách Nhà nước (trừ chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình quốc phòng, an ninh).
+ Chi khác
Ngoài các khoản chi lớn đã được sắp xếp vào 5 lĩnh vực trên, còn có một số khoản chi khác cũng được xếp vào cơ cấu chi thường xuyên như: Chi trợ giá theo chính sách của Nhà nước, chi hỗ trợ quĩ Bảo hiểm xã hội, phần chi thường xuyên thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án Nhà nước .v.v..
- Theo nội dung kinh tế của các khoản chi thường xuyên
Nếu phân loại theo nội dung kinh tế, thì nội dung chi thường xuyên của Ngân sách Nhà nước bao gồm:
+ Các khoản chi cho con người thuộc khu vực hành chính - sự nghiệp
Đây được coi là nội dung chi quan trọng đầu tiên để có thể có được một trong ba yếu tố đầu vào của bất kì một cơ quan, tổ chức nào muốn tồn tại và hoạt động.
+ Các khoản chi về nghiệp vụ chuyên môn
Hoạt động nghiệp vụ chuyên môn trong các đơn vị hành chính – sự nghiệp được đảm bảo bằng nguồn kinh phí thường xuyên của Ngân sách Nhà nước ở mỗi ngành rất khác nhau.
+ Các khoản chi mua sắm, sửa chữa
Trong quá trình hoạt động, các đơn vị hành chính – sự nghiệp còn được Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí để mua sắm thêm các tài sản (kể cả tài sản cố định) hay sửa chữa các tài sản đang trong quá trình sử dụng, nhằm phục vụ kịp thời cho nhu cầu hoạt động và nâng cao hiệu suất sử dụng của các tài sản đó.
+ Các khoản chi khác
Thuộc phạm vi các khoản chi khác nằm trong cơ cấu chi thường xuyên của Ngân sách Nhà nước, có thể nói một cách khái quát nhất là những khoản chi có thời hạn tác động ngắn nhưng chưa được đề cập tới ở 03 nhóm mục trên.
Đặc điểm chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước
- Thứ nhất, đại bộ phận các khoản chi thường xuyên mang tính ổn định khá rõ nét.
- Thứ hai, xét theo cơ cấu chi Ngân sách Nhà nước ở từng niên độ và mục đích sử dụng cuối cùng của vốn cấp phát thì đại bộ phận các khoản chi thường xuyên của Ngân sách Nhà nước có hiệu lực tác động trong khoảng thời gian ngắn và mang tính chất tiêu dùng xã hội.
- Thứ ba, phạm vi, mức độ chi thường xuyên của Ngân sách Nhà nước gắn chặt với cơ cấu tổ chức của bộ máy Nhà nước và sự lựa chọn của Nhà nước trong việc cung ứng các hàng hóa công cộng.
(Tài liệu tham khảo: Quản lí tài chính công, 2012, Đại học Thuỷ Lợi)