Dự án quan trọng quốc gia (National Important Project) là gì?
Mục Lục
Dự án quan trọng quốc gia (National Important Project)
Dự án quan trọng quốc gia - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ National Important Project.
Luật Đầu tư công năm 2014 qui định như sau:
"Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí dưới đây:
- Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ đồng trở lên;
- Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:
+ Nhà máy điện hạt nhân;
+ Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên;
- Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với qui mô từ 500 héc ta trở lên;
- Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;
- Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định."
Nội dung thẩm định quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia
1. Đánh giá về hồ sơ Dự án: Căn cứ pháp lí, thành phần, nội dung hồ sơ theo qui định;
2. Sự cần thiết phải đầu tư Dự án;
3. Sự phù hợp của Dự án với chiến lược, kế hoạch và qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội, qui hoạch phát triển ngành; sự phù hợp với chủ trương đầu tư;
4. Đánh giá về việc phân tích, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả đầu ra của dự án; phân tích, lựa chọn qui mô Dự án; hình thức đầu tư; phân tích các điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - kĩ thuật, lựa chọn địa điểm đầu tư Dự án;
5. Đánh giá về nhu cầu sử dụng đất; điều kiện giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo qui định của pháp luật về đất đai (nếu có);
6. Đánh giá về thời gian, tiến độ thực hiện, các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư; phân kì đầu tư;
7. Đánh giá về nguồn nguyên liệu; máy móc, thiết bị; phương án lựa chọn công nghệ, kĩ thuật, thiết bị;
8. Đánh giá tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường; phòng chống cháy, nổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và các yếu tố khác;
9. Đánh giá về tổng mức đầu tư, trong đó có xác định chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác vận hành dự án; căn cứ xác định nhu cầu vốn đầu tư; mức chuẩn xác về nhu cầu vốn đầu tư;
Cơ cấu nguồn vốn, phân tích tính khả thi của các phương án huy động vốn; khả năng huy động vốn theo tiến độ đầu tư; khả năng thu hồi vốn và trả nợ vốn vay; phân tích rủi ro; đào tạo nguồn nhân lực (nếu có);
10. Đánh giá về hiệu quả đầu tư, bao gồm hiệu quả tài chính, hiệu quả và tác động kinh tế - xã hội của Dự án;
11. Đánh giá phương án tổng thể đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định canh, định cư (nếu có);
12. Đánh giá về việc tổ chức quản lí dự án, bao gồm: Xác định chủ đầu tư; hình thức quản lí dự án; mối quan hệ và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến quá trình thực hiện dự án, tổ chức bộ máy quản lí khai thác dự án. (Theo Nghị định số Số: 131/2015/NĐ-CP)