1. Kinh tế học

Tổng giá trị kinh tế (Total Economic Value) là gì?

Mục Lục

Tổng giá trị kinh tế

Tổng giá trị kinh tế trong tiếng Anh gọi là: Total Economic Value - TEV.

Tổng giá trị kinh tế của các tài sản môi trường là phương pháp đánh giá rất quan trọng ở cấp độ kinh tế vi mô và khu vực, giúp xác định giá trị kinh tế của các tài sản môi trường phi thị trường.

Thành phần

Tổng giá trị kinh tế bao gồm giá trị sử dụng và giá trị không sử dụng. 

- Giá trị sử dụng được hình thành từ sự thực sự sử dụng môi trường. Một tài nguyên có giá trị vì nó có chức năng hay hoạt động phục vụ con người. 

Giá trị sử dụng bao gồm giá trị sử dụng trực tiếp, giá trị sử dụng gián tiếp giá trị nhiệm ý. Giá trị nhiệm ý thể hiện bằng việc chọn lựa các cách sử dụng môi trường trong tương lai; một cá nhân hiện tại không sử dụng tài nguyên này nhưng coi trọng việc sử dụng nó trong tương lai. 

Ví dụ: một người sẵn sàng đóng góp vào việc duy trì công viên của địa phương dù rằng hiện nay họ ít lui tới, nhưng họ nghĩ trong tương lai khi họ về hưu họ sẽ nghỉ ngơi, đi dạo trong công viên này. 

- Giá trị không sử dụng thể hiện các giá trị phi phương tiện nằm trong bản chất của sự vật, nhưng nó không liên quan đến việc sử dụng thực tế. 

Thay vào đó các giá trị này được coi như những yếu tố phản ánh sự lựa chọn của con người, những lựa chọn này có tính đến sự quan tâm, đồng cảm và trân trọng đối với phúc lợi của các sinh vật khác ngoài con người như các giống loài khác, các quần thể hệ sinh thái. 

Giá trị không sử dụng bao gồm giá trị tồn tại và giá trị kế thừa. 

+ Giá trị tồn tại là giá trị mà một cá nhân đánh giá việc giữ gìn một tài sản mà người đó hay các thế hệ tương lai không trực tiếp sử dụng. 

Ví dụ: có nhiều người sẵn lòng trả cho sự tồn tại các tài sản môi trường thông qua các quĩ từ thiện bảo vệ động vật hoang dã hay môi trường khác; hay mọi người đều thấy rằng việc bảo vệ bờ biền khỏi nhiễm bẩn là quan trọng dù sự ô nhiễm không có tác động trực tiếp đến cá nhân họ. 

+ Giá trị kế thừa là giá sẵn lòng trả để bảo tồn môi trường vì lợi ích của các thế hệ sau. 

Ví dụ: một người không thích đi dạo trong công viên nhưng nghĩ rằng có thể con cháu mình sẽ thích điều đó. Giá trị tồn tại có thể được đo lường bằng một bảng các câu hỏi (phương pháp đánh giá ngẫu nhiên). 

Ví dụ: 

TEV của một khu rừng = giá trị sử dụng + giá trị không sử dụng 

Giá trị sử dụng = giá trị sử dụng trực tiếp (lợi tức từ gỗ) + giá trị sử dụng gián tiếp (khu thắng cảnh) + giá trị nhiệm ý (thắng cảnh thuộc cá nhân trong tương lai). 

Giá trị không sử dụng = giá trị kế thừa (thắng cảnh cho các thế hệ tương lai hoặc ý muốn bảo tồn thiên nhiên) + giá trị tồn tại (bảo tồn tính đa dạng sinh học).

(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Ngọc Uyển- TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh- ThS Hoàng Đinh Thảo Vy, Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh)

Thuật ngữ khác