Phim hoạt hình Việt Nam loay hoay tìm chỗ đứng
Nút thắt chưa được tháo gỡ
Ra đời vào năm 1959 với dấu mốc là Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam, trải qua hành trình 63 năm, phim hoạt hình Việt Nam đã để lại cho công chúng một “gia tài” với khoảng 800 phim. Trong đó, có nhiều bộ phim đã giành các giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong những năm gần đây với sự hỗ trợ của công nghệ, phim hoạt hình đang dần có sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam mỗi năm hiện có khoảng 15 đến 17 phim được sản xuất. Bên cạnh đó, trong khoảng 10 năm gần đây, sự tăng trưởng của phim hoạt hình được ghi nhận với doanh thu chiếm 2 - 15% tổng doanh thu phim chiếu rạp.
Có thể thấy, nếu so với các loại hình khác như phim truyền hình, điện ảnh, tài liệu… thì đây vẫn con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu xét về hành trình phát triển của phim hoạt hình Việt Nam thì đây là những nỗ lực không ngừng của các đơn vị sản xuất và đang dần có những “cú hích” trong sự phát triển. Bên cạnh Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, hiện nay có rất nhiều công ty có hoạt động sản xuất phim hoạt hình với quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, phương thức kinh doanh linh hoạt, thị trường không ngừng mở rộng, có trao đổi hợp tác thường xuyên với nước ngoài...
Thế nhưng, bên cạnh những tín hiệu khả quan thì vẫn còn đó những “nút thắt” vẫn chưa được tháo gỡ. Có một thực tế phim hoạt hình Việt Nam nhiều năm vẫn đang “loay hoay” tìm chỗ đứng ngay trên “sân nhà” và hoàn toàn lép vế với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo NSND Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, hoạt hình Việt Nam vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Số lượng phim của Hãng sản xuất ra đều nhưng chỉ có thời lượng khoảng 8-10 phút, nhiều nhất là trên dưới 30 phút, chưa có phim đủ dài để chiếu rạp. Ở rạp hiện nay, phim hoạt hình nước ngoài hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường, phim Việt Nam chỉ có thể chiếu miễn phí theo từng đợt tuyên truyền hoặc phục vụ cộng đồng.
Đồng quan điểm, NSND Hà Bắc - Hội Điện ảnh Việt Nam bày tỏ, có doanh nghiệp, nhà đầu tư muốn đồng hành nhưng đều “đánh trống bỏ dùi” bởi kinh phí đầu vào lớn, đầu ra thì bất ổn. Trung bình một tập phim hoạt hình sản xuất chiếu Youtube tầm 20 phút giá cũng cao hơn nhiều so với sản xuất một tập phim hoạt hình đó là chưa nói đến phim chiếu rạp, dù không mong lớn như những bộ phim hoạt hình Hollywood chiếu ở Việt Nam với kinh phí đầu tư toàn chục đến trăm triệu USD. “Hoạt hình Việt Nam đang lay lắt, nhờ cái phao của Nhà nước mới tồn tại. Nhà đầu tư tư nhân đầu tư một lần là đánh trống bỏ dùi, vì để tạo ra được những thước phim hoạt hình cực kỳ khó khăn về đội ngũ, quy trình sản xuất, và làm xong để phim đứng được lại càng khó” - ông Bắc trăn trở.
Để có bước tiến dài
Thực tế cho thấy, trong quá trình hội nhập quốc tế phim hoạt hình Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Nhưng trên hành trình đó, dường như phim hoạt hình Việt Nam vẫn đang hết sức cô đơn, phải tự thân vận động. Bởi nếu nhìn thẳng vào thực tế từ vấn đề đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một loại hình nghệ thuật đòi hỏi sáng tạo và kết hợp công nghệ hiện đại hiện đang là rào cản làm hạn chế năng lực sản xuất phim hoạt hình Việt Nam.
Theo nhà sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Sconnect Tạ Mạnh Hoàng, Việt Nam có nhiều khó khăn trong sự phát triển phim hoạt hình vì chưa có sự hỗ trợ nhất định từ phía nhà nước. “Chúng tôi rất cần thị trường nhưng ở Việt Nam thì đầu ra chưa có, những người làm truyền thông cũng không có. Các nước khi tổ chức sự kiện sẽ có người làm việc trong chính phủ trực tiếp tham gia. Từ đó, tạo được sự uy tín và quan hệ gần gũi hơn với bạn bè quốc tế. Chúng tôi cần nhà nước hỗ trợ về chính sách. Điều này làm cho doanh nghiệp bớt cô đơn khi ra thế giới” - ông Hoàng bày tỏ.
Không chỉ thiếu cơ hội để phát triển, nguồn lực để sản xuất phim hoạt hình Việt Nam cũng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Nhân sự ngành hoạt hình thường lấy từ trường Sân khấu Điện ảnh, Trường Sư phạm nhạc họa, Mỹ thuật, Kiến trúc hay gần đây là FPT… và hầu như khi làm lại tiếp tục phải đào tạo. Hiện trường Đại học Văn Lang hay Mỹ thuật cũng bắt đầu có những khoa, môn học chuyên sâu hơn về hoạt hình nhưng ở thời đại công nghệ hiện nay, sự đáp ứng đó là không đủ.
Nhìn vào hành trình của phim hoạt hình Việt Nam hiện tại, có thể nói ngành này đang có những bước đi đầy gian nan, vất vả. Theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Điện ảnh Việt Nam, các đơn vị sản xuất của nhà nước và tư nhân đều có định hướng phát triển riêng, nhưng muốn bước tiến dài thì phải đi cùng nhau dưới tên chung là hoạt hình Việt Nam. Ở đó, các đơn vị cần tạo ra những cầu nối để liên kết với nước ngoài, kết nối với các đơn vị hoạch định chính sách để trình lên Chính phủ. Đây không phải là câu chuyện cuối cùng mà là câu chuyện mở đầu cho con đường phát triển phim hoạt hình Việt Nam.
“Đến thời điểm này, chúng ta phải mở rộng tầm nhìn, đánh giá bao quát hơn, thực chất hơn về năng lực thực sự của ngành hoạt hình Việt Nam. Cụ thể là đánh giá thực lực đội ngũ làm phim hoạt hình, năng lực sản xuất, khả năng và phương thức phổ biến phim hoạt hình Việt Nam ở trong và ngoài nước” - bà Lan bày tỏ.
Minh Quân