Tổng giám đốc AEON Việt Nam: 'Thách thức lớn là phải tạo được các giá trị mới cho khách hàng'
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết, chặng đường sắp tới có rất nhiều cơ hội để AEON phát triển và mở rộng tại Việt Nam, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt với những thay đổi về xã hội và xu hướng tiêu dùng hậu Covid-19.
PV: Xin ông cho biết, đâu là cơ hội và thách thức khi AEON đầu tư và tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam?
Ông Furusawa Yasuyuki: Về thuận lợi, Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có mối quan hệ tốt đẹp, chính phủ hai bên có sự hợp tác chặt chẽ với nhau. Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng cao và dân số trẻ, tương tự với bối cảnh tại thị trường Nhật Bản cách đây 40-50 năm khi AEON Nhật Bản phát triển mạnh mẽ. Tận dụng được lợi thế này sẽ trở thành động lực cho AEON phát triển tại Việt Nam. Và với sự hỗ trợ từ các thiết bị di động và internet hiện nay, chắc chắn tốc độ tăng trưởng sẽ vượt trội hơn.
Tuy vậy, cũng có không ít thách thức khi điều kiện xã hội và nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi rất nhanh. Thách thức của nhà bán lẻ là làm sao đáp ứng được mong muốn, nhu cầu mới của khách hàng, tạo ra được giá trị mới cho khách hàng và có thể dự đoán được nhu cầu của khách hàng để đưa ra kế hoạch/ hành động phù hợp.
PV: Sứ mệnh của AEON là “nâng tầm phong cách sống của khách hàng”. Trải qua 10 năm hoạt động, sứ mệnh đó được AEON Việt Nam thực hiện như thế nào, thưa ông?
Về cơ bản, ai cũng có nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, nhà ở tinh tế và được đáp ứng đầy đủ nhu cầu, nhưng nhiều sản phẩm lại có mức giá cao hơn khả năng chi tiêu của nhiều người. Vì vậy, AEON Việt Nam đã và đang nỗ lực để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với chất lượng tốt, giá cả hợp lý để người tiêu dùng có thể nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tiếp đó, khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao hơn nữa, AEON Việt Nam cũng liên tục cải tiến để đáp ứng những thay đổi và cùng khách hàng hướng đến một cuộc sống chất lượng hơn.
Khách hàng thường chia sẻ với chúng tôi rằng họ quyết định mua sắm ở AEON bởi yên tâm về sản phẩm chất lượng, phong phú, và môi trường mua sắm mang đến những trải nghiệm vui vẻ – thoải mái. Theo tôi, điều AEON làm được là duy trì tất cả những điểm mạnh trên để ngày nào khách hàng cũng cảm thấy vui vẻ như lần đầu tiên, từ đó tạo được niềm tin, sự tín nhiệm để khách hàng quay trở lại.
Với lượng khách hàng đến và gắn bó với AEON trong suốt thời gian qua, tôi nghĩ chúng tôi đã thực hiện được sứ mệnh của mình. Tuy nhiên thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
PV: Khi nhắc đến AEON, người ta nói đến sự tử tế với khách hàng. AEON Việt Nam làm thế nào để lan tỏa sự tử tế của mình tới khách hàng và các nhân viên?
Trước tiên, nếu chính nhân viên được trải nghiệm những điều tích cực, họ cũng có thể mang những điều tốt đến cho mọi người. Và khi mỗi nhân viên AEON lan tỏa sự tử tế, khách hàng cũng sẽ trân trọng điều đó. Nhiều khách hàng còn viết thư cảm ơn điều đó khiến nhân viên của chúng tôi cũng cảm thấy vui vì hành động của mình được ghi nhận, họ mang đến niềm vui cho người khác và bản thân họ cũng thấy vui.
Tôi cho rằng truyền thông nội bộ rất quan trọng để giúp tất cả nhân viên hiểu được sứ mệnh của mình và cố gắng để mang đến trải nghiệm thoải mái nhất cho khách hàng. Ở AEON Việt Nam, các cấp quản lý cũng chia sẻ với tất cả nhân viên khi nhận được lời khen từ khách hàng, từ đó niềm vui và sự tự hào này được lan tỏa đến tất cả mọi người, để khuyến khích mọi người tiếp tục hành động tử tế.
Bên cạnh đó, AEON Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp nhận những đóng góp từ khách hàng, chúng tôi cũng thường xuyên chia sẻ và thảo luận để tìm được giải pháp cải tiến mỗi ngày nhằm mang đến sự tiện lợi cho khách hàng.
PV: Vậy AEON Việt Nam có chiến lược gì để đáp ứng kịp thời những thay đổi, mang đến những trải nghiệm mới cho người tiêu dùng?
Qua đại dịch Covid-19, có thể thấy xu hướng tiêu dùng thay đổi rõ rệt: người tiêu dùng quan tâm và chú trọng về sức khỏe nhiều hơn; trước đây khách hàng sử dụng tiền mặt, còn bây giờ chuyển qua thanh toán không tiền mặt hoặc chuyển từ mua hàng trực tiếp sang trực tuyến… Hành vi của khách hàng đã thay đổi rất nhiều, nếu nhà bán lẻ không theo kịp sự thay đổi đó để đáp ứng thì chắc chắn sẽ tụt lại phía sau hoặc bị đào thải.
Bên cạnh đó, nhà bán lẻ còn phải đi trước một bước – nghĩa là phải dự đoán nhu cầu của khách hàng để đưa ra sự điều chỉnh, cải tiến kịp thời.
Chúng tôi sẽ tăng cường thêm các “điểm chạm” để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn bằng cách mở thêm nhiều điểm kinh doanh mới, đa dạng hóa kênh bán hàng: bán trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị, … hoặc trực tuyến.
Song song với đó, sản phẩm cũng cần phải đảm bảo an toàn và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ở từng địa phương. Việc kiểm soát vận chuyển hàng hóa một cách hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng là ưu tiên của AEON Việt Nam.
PV: Từ việc mở TTMS, siêu thị đến cửa hàng chuyên doanh… phải chăng AEON Việt Nam đi theo chiến lược bao phủ toàn bộ mô hình bán lẻ? Còn mô hình nào ở Nhật Bản mà AEON chưa đưa vào Việt Nam và hàng hóa ra sao?
AEON không đơn thuần đưa hết các mô hình bán lẻ tại Nhật Bản đến áp dụng tại thị trường Việt Nam, mà chúng tôi còn phát triển thêm các mô hình kinh doanh mới để phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Hiện, sản phẩm tại các địa điểm kinh doanh của AEON Việt Nam chủ yếu là sản phẩm từ các nhà cung cấp nội địa, hàng nhập khẩu chiếm tỉ lệ khá thấp, và chủ yếu nằm trong nhóm hàng thực phẩm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa danh mục sản phẩm để khách hàng có nhiều sự lựa chọn.
Và mục tiêu cho những năm tới của AEON Việt Nam như thế nào?
Kế hoạch trung hạn tới năm 2025, chúng tôi sẽ đạt ít nhất 15 TTMS AEON; trong khi đó hệ thống chuỗi siêu thị vừa và nhỏ MaxValu đạt 100 cửa hàng. Chúng tôi cũng sẽ phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh, như cửa hàng kinh doanh xe đạp AEON Bicycle và cửa hàng chăm sóc sức khỏe & sắc đẹp Glam Beautique để phục vụ nhu cầu người dân tại các khu dân cư.