Doanh nghiệp Trung Quốc livestream để tìm người làm
Với smartphone trên tay, Xiao Simu đi bộ qua cánh đồng trồng cà rốt rộng lớn ở Song Liêu, thành phố thuộc tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc. Trong buổi livestream hồi tháng 9 của Xiao, hàng chục công nhân đang thu hoạch cà rốt dưới ánh nắng Mặt Trời gay gắt.
Khi có một người xem vào hỏi giá, người đàn ông 34 tuổi này cho biết: “Chúng tôi không bán. Chúng tôi thuê người nhổ cà rốt”.
Tuyển công nhân qua livestream
Xiao Simu là người điều hành một công ty tuyển dụng nhân sự tại tỉnh Cát Lâm. Ông bắt đầu tìm công nhân qua livestream từ tháng 8, trên ứng dụng video ngắn Kuaishou. Mỗi ngày, Xiao dành 4 giờ để phát trực tiếp, giới thiệu các công việc thu hoạch cà rốt, vận chuyển hành lá hoặc chế biến gà.
Thỉnh thoảng các buổi livestream thực hiện ngay trên cánh đồng. Xiao cũng phát những video giới thiệu về trang trại và dây chuyền chế biến thịt gà.
“Mọi người có thể nhìn thấy môi trường làm việc thực sự như đang ở tại đó. Họ sẽ biết công việc được thực hiện như thế nào, do vậy, người lao động không thấy lạ lẫm hoặc mất lòng khi đến làm việc”, Xiao Simu cho biết.
Ban đầu, livestream phổ biến tại Trung Quốc như một loại hình giải trí. Theo thời gian, nó xâm nhập vào nhiều lĩnh vực của đời sống hàng ngày, từ mua sắm, giáo dục, mai mối và giờ đây là tuyển dụng lao động.
Trao đổi với Rest of World, các nhà tuyển dụng tại Trung Quốc cho biết một số ứng dụng tìm kiếm việc làm và video ngắn đã giới thiệu tính năng phát trực tiếp. Hình thức này đang phổ biến trên thị trường lao động phổ thông, nơi các nhà tuyển dụng cần thuê một số lượng lớn công nhân ít kinh nghiệm.
Kuaishou, một ứng dụng video giống TikTok phổ biến trong giới lao động Trung Quốc, đã giới thiệu Kwai Recruitment, một nền tảng đặc biệt dành cho các buổi phát trực tiếp tuyển dụng từ tháng 1. Theo số liệu thống kê trong quý II/2022, đã có 250 triệu người dùng hoạt động thường xuyên.
Các công việc được giới thiệu qua livestream khá đa dạng, từ tài xế giao hàng, đóng gói sản phẩm đến công nhân tại trang trại nuôi thỏ, trông trẻ em. Người giới thiệu cam kết trả lương đúng hạn, chỗ ở miễn phí, thức ăn ngon… Các yêu cầu tuyển dụng cũng được nêu rõ như không quá 55 tuổi, không tiền án, hình xăm.
Ứng dụng có tính năng giúp người xem đặt câu hỏi trong phần bình luận trực tiếp hoặc gửi số điện thoại liên hệ bằng cách nhấn vào liên kết hiện lên trên màn hình.
Cơ hội và thách thức
Các công ty tuyển dụng thường tìm kiếm công nhân làm việc tại nhà máy, trang trại thông qua hội chợ việc làm trực tiếp, trang web hoặc bài viết trên WeChat, mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cho biết tuyển qua livestream là hình thức tiết kiệm chi phí hơn để kết nối với người làm động có kỹ năng thấp.
Theo Han, một nhân viên 33 tuổi chuyên thực hiện các buổi livestream tuyển dụng, công ty của anh này từng chi hàng chục nghìn USD để đặt quảng cáo việc làm. Nhưng các buổi tuyển dụng trực tuyến trên Douyin và Kuaishou lại cho phép lượng người xem lớn hơn mà không phải trả thêm phí.
Jiaxi Hou, một nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo, người có thời gian tìm hiểu về cộng đồng người dùng bình dân trên Kuaishou, cho rằng Kwai Recruitment có thể mang lại cơ hội việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người lớn tuổi, mù chữ và những lao động nghèo sống tại vùng kém phát triển.
Các nguồn cấp dữ liệu phát trực tiếp là nơi mọi người có thể xem video mô tả nhiều loại công việc khác nhau. Thông qua thao tác cuộn không điểm dừng, họ có thể tìm được ý tưởng việc làm chưa từng nghĩ đến.
Tuy nhiên, khi việc tuyển dụng qua livestream bùng nổ, các nền tảng phát video trực tuyến cũng đối mặt với một số vấn đề đã xuất hiện trên thị trường lao động trực tiếp truyền thống. Đó là nạn lừa đảo, chậm trễ trả lương, phân biệt đối xử theo tuổi tác, giới tính và dân tộc.
Chia sẻ với Rest of World, Ma Legang, một cựu công nhân nhà máy điện tử tại Thượng Hải, người từng kiếm việc qua livestream trên Kwai Recruitment, cho biết cần phải kiểm tra kỹ các công ty tuyển dụng thông qua những phương thức khác. “Trên Internet, đó chỉ là cuộc trò chuyện. Bạn không thể tin mọi thứ”, Ma Legang đưa ra lời khuyên.
Người xem đôi khi không phân biệt được hình ảnh trong buổi livestream là môi trường làm việc thật hay dàn dựng. Một số công ty tuyển dụng đã làm giả dây chuyền sản xuất, đưa vào khung hình hàng loạt vỏ điện thoại và dây cáp nhưng thực tế nó không nằm trong nhà máy.
Theo Xiao Simu, thay vì cố gắng lôi kéo người lao động sau đó họ bỏ việc, anh sẽ tạo ra các buổi livestream gần với công việc thực tế nhất, cụ thể nhất. Chẳng hạn, công nhân thu hoạch cà rốt sẽ được trả 8,4 cent/m đất, được ưu tiên mua nông sản giá rẻ như khoai tây, cà tím, sống chung với những người khác trong lều.
Dù có hàng trăm người người theo dõi các buổi phát trực tiếp, Xiao nhận được dưới 200 lượt đăng ký việc làm mỗi ngày. Trong tháng trước, anh chỉ thuê hơn 50 công nhân.
Nguyễn Hiếu
Theo Rest of World