Làng nghề trồng hoa kiểng ở Bến Tre
Dọc các tuyến đường liên ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành (Chợ Lách), người dân trồng cúc mâm xôi kín từ nhà ra ngõ. Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết, khoảng tháng 4, tháng 5 là bà con làm đất, trộn phân rơm ủ lại và tháng 6 bắt đầu xuống giống. Trồng được một tuần tuổi thì phải vào phân ủ lần 1 và sau đó cứ 15 ngày tiếp tục vào phân một lần để cây đủ chất dinh dưỡng phát triển; sau 4 lần cơi đọt thì xử lý ra hoa. Muốn cho cúc mâm xôi đơm nụ nhiều, đều, đẹp, nở đúng thời gian không hề đơn giản bởi còn phụ thuộc vào thời tiết nắng hay mưa, ấm hay lạnh để người trồng tính toán lượng phân, thuốc, lượng nước. Mỗi người bằng kinh nghiệm của mình sẽ có cách làm khác nhau, điều quan trọng là cuối cùng phải cho ra những chậu cúc đẹp, to, tròn, nở đúng dịp Tết.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình bà Nguyễn Thị Thu Ba, ngụ tại ấp Tây Lộc chỉ trồng 3.000 chậu, thương lái đến mua tại vườn giá 140.000 đồng/cặp, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lãi gần 100 triệu đồng. Năm nay, khi mọi thứ đã trở lại bình thường, bà mạnh dạn trồng 4.500 chậu. “Nghề trồng cúc mâm xôi bán Tết vất vả và mất rất nhiều công sức đầu tư. Trồng hoa cúc không hề dễ, từ ngày xuống giống đến lúc có một chậu hoa cúc bán phải mất 6 tháng trời ròng rã. Hiện tại, giá phân rơm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc đều tăng cao”, bà Nguyễn Thị Thu Ba chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Tám, ngụ tại ấp Long Huê, xã Long Thới (Chợ Lách) bộc bạch: “Nhà tôi trồng 4.000 chậu cúc mâm xôi. Nhờ chăm sóc kỹ, vườn cúc của tôi đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn nở hoa đúng dịp Tết. Có vài thương lái đến xem và hứa hẹn mức giá thu mua tương đương năm rồi, nhưng phải chờ cận Tết, hoa nở đều mới lấy hàng. Tết năm nay chưa thể nói trước được điều gì, vì thời tiết mưa nắng bất thường. Bà con luôn túc trực trong vườn chăm sóc cho cây cúc. Chỉ cần ngập úng hay gió quật ngã chậu sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ là bị khách hàng chê và khó bán...”.
Đến thời điểm này, các nhà vườn trồng cúc mâm xôi đã cơi đọt xong lần 3, cành lá khá sum sê, sau đó sẽ cơi lần 4 là bắt đầu xử lý ra hoa, nên đã có thương lái, các điểm thu mua đến xem, đặt hàng. Ông Trần Văn Mười, ngụ tại ấp Long Huê cho biết: “Năm nay, tôi được thương lái ở tỉnh Bình Dương đặt trước 3.000 chậu cúc mâm xôi với giá 120.000 đồng/cặp, thấy có lãi nên gia đình đã làm hợp đồng. Hiện tại chỉ còn một số bông giấy, nếu được giá, tôi bán hết luôn ở vườn”.
Theo ông Trần Hữu Nghị, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách: Toàn huyện có 11 làng nghề trồng hoa kiểng với hơn 6.000 hộ, diện tích hơn 650ha; mỗi năm, sản xuất khoảng 15 triệu đến 17 triệu sản phẩm hoa, cây cảnh các loại phục vụ thị trường Tết cho cả nước (riêng hoa cúc mâm xôi chiếm khoảng 25%). Khi cuộc sống trở lại bình thường, thời tiết khá thuận lợi nên nhà vườn trồng cúc mâm xôi phục vụ Tết Nguyên đán 2023 cũng tăng cao với khoảng 4 triệu sản phẩm (tăng 2,5 triệu sản phẩm so với năm 2021).
“Vào thời điểm này, thương lái đến tìm hiểu giá và đặt hàng một số loại hoa kiểng. Tuy nhiên, số lượng vẫn còn ít và phần lớn tập trung ở các loại hoa, kiểng có thể để chưng lâu ngày như: Bông giấy, nguyệt quế, dừa cạn, các loại kiểng được tạo hình từ cây sanh, cây si... chủ yếu được mối lái đem về bán tại những cửa hàng và điểm kinh doanh hoa kiểng cố định. Riêng hoa cúc mâm xôi ước tính có khoảng 1,5 triệu sản phẩm đã được ký hợp đồng bán tại vườn, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng. Dự kiến từ nay đến Tết, nhà vườn sẽ ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 60% tổng sản lượng loại hoa này với thương lái, phần còn lại sẽ được đem đi bán lẻ trực tiếp tại các chợ hoa Tết. Đây cũng là tín hiệu tích cực để người trồng hoa kiểng, nhất là hoa cúc mâm xôi tin tưởng vào một vụ hoa Tết thắng lợi”, ông Trần Hữu Nghị thông tin.
Bài và ảnh: QUANG TRƯỜNG