1. Kinh doanh

ZUS Coffee lấy công nghệ làm thế mạnh trong văn hóa cà phê

Tham vọng của những người đứng đầu là chuỗi ZUS sẽ trở thành thương hiệu Đông Nam Á được toàn thế giới biết đến.

Ông Venon Tian, Giám đốc vận hành của ZUS, cũng là một trong bảy đồng sáng lập, chia sẻ với tờ Nikkei Asia: “Chúng tôi định vị ZUS là cà phê ở giữa phân khúc cửa hàng tiện lợi và các thương hiệu cao cấp như Starbucks, với mục tiêu là người tiêu dùng trung bình có thể mua được cà phê ngon với giá thành phù hợp”.

Công nghệ giữ vị thế quan trọng trong hoạt động của chuỗi khi ứng dụng ZUS hiện có hơn 4,5 triệu người dùng

Đối tượng khách hàng mà ông Tian nhắc đến chính là tầng lớp trung lưu thế hệ Y và Z, những người có khả năng chi tiêu lớn. Theo thống kê của hãng nghiên cứu người dùng World Data Lab, thế hệ Y và Z tại Malaysia sẽ chi 131 tỷ USD vào năm 2024 và dự báo lên tới 184 tỷ USD vào năm 2030. Tiềm năng phát triển của thị trường ăn uống tại Malaysia còn rất lớn khi tỷ lệ tăng trưởng trung bình là 9%/năm trong giai đoạn từ 2024-2030.

Theo đuổi hình mẫu của Luckin Coffee, chuỗi đồ uống đang chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc những năm gần đây, ZUS lấy công nghệ làm yếu tố chính trong văn hóa cà phê của mình. Điều này cũng phù hợp với khách hàng trẻ, những người xem cà phê là phong cách sống, chứ không chỉ là một loại đồ uống đơn thuần.

ZUS đã ra mắt ứng dụng với ki-ốt chỉ rộng 18 m², với vốn ban đầu khoảng 72.000 USD, để khách hàng có thể đặt đơn qua nền tảng số và được giao hàng nhanh từ trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Khi ấy, người dùng vẫn chưa quen với mô hình này và Malaysia cũng chậm chấp nhận thanh toán không tiền mặt. Tuy nhiên, đại dịch đã chứng minh mô hình của ZUS là hợp thời khi dịch vụ đặt hàng chiếm tới 70% doanh thu. Sau đại dịch, 70% người dùng quay lại cửa hàng để thưởng thức đồ uống.

Dù vậy, công nghệ vẫn giữ vị thế quan trọng trong hoạt động của chuỗi khi ứng dụng ZUS hiện có hơn 4,5 triệu người dùng, trong đó 1,8 triệu người hoạt động thường xuyên mỗi tháng. ZUS cũng phát triển thêm các trò chơi và chương trình khuyến mãi trên nền tảng này để giữ chân khách hàng và duy trì sự tương tác.

Ông Tian tự hào nói về việc tiêu chuẩn hóa quy trình, tăng cường tự động hóa và không quá ưu tiên việc khách hàng ngồi lâu tại quán để cắt giảm chi phí. “Starbucks không chỉ bán cà phê, họ còn bán chỗ ngồi. Nhưng người trẻ không thể uống cà phê với giá Starbucks mỗi ngày, trong khi với cà phê ZUS, họ có thể mua 3 ly mỗi ngày mà vẫn ổn với túi tiền của mình”, ông Tian chia sẻ.

Khả Anh

Tin khác