1. Kinh doanh

Ngành bán dẫn Trung Quốc thiếu nhân sự

Mỹ cấm công dân làm việc cho các công ty công nghệ của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Vào cuối tháng 10, nhà sản xuất chip của Trung Quốc là Yangtze Memory Technologies Corp (YMTC) đã yêu cầu toàn bộ nhân viên người Mỹ ở các vị trí cốt lõi nghỉ việc. Điều này cho thấy công ty đang gấp rút tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ.

Theo 4 người thân cận với công ty, số lượng công dân Mỹ và người có thẻ xanh phải rời khỏi YMTC không được tiết lộ. Tuy vậy, một kỹ sư cấp cao của YMTC cho biết nhiều nhiều nhân viên người Mỹ là “chìa khóa” giúp công ty có bước đột phá trong lĩnh vực sản xuất chip nhớ NAND cao cấp.

Không chỉ ở Trung Quốc, các công ty tại Mỹ và châu Âu như Lam Research, Applied Materials và KLA Corporation đã đình chỉ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ cho các nhà sản xuất chất bán dẫn ở Trung Quốc. ASML, có trụ sở tại Hà Lan, đã yêu cầu nhân viên người Mỹ ngừng phục vụ tất cả khách hàng Trung Quốc trong khi đánh giá tác động từ các lệnh trừng phạt.

Ông Simon Yang, CEO của YMTC và có quốc tịch Mỹ, đã từ chức ngay trước khi lệnh trừng phạt được công bố. Đây là động thái quyết liệt trước sức ép ngày càng gia tăng của Mỹ đối với công ty, theo Financial Times.

Mỹ muốn gây áp lực nhiều hơn tới lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Ảnh: Technode.

Trước đó, ông Yang, một phần nhờ vào khoản đầu tư 30 tỷ USD của chính phủ, đã giúp YMTC trở thành nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc. YMTC đang trên đà giành lấy vị trí sản xuất bán dẫn chính cho iPhone trước khi áp lực chính trị và các lệnh trừng phạt mới của Mỹ làm mờ đi triển vọng của công ty.

Các công ty nhân sự trong ngành cho biết những quy định mới sẽ khiến nguồn nhân lực chất lượng trở nên khan hiếm. Trong đó, các công ty bán dẫn của Trung Quốc, những đơn vị vốn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên có kinh nghiệm, sẽ chịu áp lực ngày càng lớn.

Ngoài ra, biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ khiến các công ty Trung Quốc không có nhiều lựa chọn. “Bạn có thể từ bỏ quyền công dân của mình hoặc từ bỏ công việc”, Financial Times dẫn lời một CEO công ty bán dẫn tại Trung Quốc.

Minh Hoàng

Tin khác