Cuộc gặp giữa Steve Jobs và Barack Obama ở sân bay
Trong một chuyến thăm tới Washington vào đầu mùa thu năm 2010, Powell gặp một vài người bạn của bà tại Nhà Trắng và họ nói với bà rằng Tổng thống Obama sắp sửa tới Thung lũng Silicon vào tháng 10 năm đó. Bà gợi ý rằng có lẽ Tổng thống sẽ muốn gặp chồng bà. Các phụ tá của Obama thích gợi ý này; nó phù hợp với định hướng mới của ông, đó là tập trung vào tính cạnh tranh.
Hơn nữa, John Doerr, nhà đầu tư mạo hiểm, một trong những người bạn thân của Jobs, đã trình bày quan điểm của Jobs tại cuộc họp của Ban Cố vấn Khôi phục Kinh tế của Tổng thống Obama về việc tại sao nước Mỹ đang mất đi những điều từng khiến họ thành công. John đã đề nghị Obama gặp gỡ Jobs. Vì thế, lịch trình của Tổng thống đã dành ba mươi phút cho cuộc gặp tại Sân bay Westin San Francisco.
Tuy nhiên, có một vấn đề: Khi Powell nói chuyện với chồng, ông nói là mình không muốn gặp Tổng thống. Ông rất bực bội vì bà đã bí mật sắp xếp việc này sau lưng ông. “Anh sẽ không chen vào một cuộc gặp chiếu lệ để sau đó Tổng thống có thể hoàn thành mục tiêu phải gặp một CEO nào đó của ông ấy”, Jobs nói với Powell.
Bà khẳng định rằng Tổng thống Obama “thật sự muốn gặp anh”. Jobs trả lời rằng nếu đúng như vậy thì Obama nên gọi điện thoại và tự đề nghị gặp gỡ. Sự căng thẳng kéo dài tới năm ngày. Bà đã gọi Reed, lúc đó đang ở Stanford, về nhà ăn tối và cố thuyết phục cha. Jobs cuối cùng cũng dịu lại.
Buổi nói chuyện thực tế diễn ra trong bốn mươi lăm phút, và Jobs đã rất thẳng thắn. “Ngài được giao trọng trách điều hành đất nước trong một nhiệm kỳ Tổng thống”, Jobs nói với Obama khi bắt đầu cuộc nói chuyện. Jobs nói, công tác quản lý đất nước cần phải hướng tới kinh doanh hơn. Ông mô tả về việc xây dựng một nhà máy ở Trung Quốc dễ dàng như thế nào, và nói rằng hiện giờ hầu như là không thể làm như vậy ở Mỹ, phần lớn là do các quy định và chi phí không cần thiết.
Jobs cũng tấn công vào hệ thống giáo dục của Mỹ, cho rằng hệ thống này quá cũ kỹ [...] bởi các quy tắc làm việc của liên đoàn. Chừng nào mà các liên đoàn giáo viên Mỹ còn chưa được phá bỏ, thì gần như chẳng có hy vọng nào cho việc cải cách giáo dục. Các giáo viên phải được đối xử như là những giáo sư, chứ không phải là những công nhân sản xuất dây chuyền.
Các hiệu trưởng phải có khả năng thuê và sa thải các giáo viên dựa trên năng lực của họ. Các trường học phải mở cửa ít nhất tới 6 giờ chiều và theo chương trình học 11 tháng mỗi năm. Ông nói thêm rằng thật ngớ ngẩn khi các lớp học ở Mỹ vẫn dựa vào việc các giáo viên đứng trên bục giảng và sử dụng sách giáo khoa. Tất cả cuốn sách, tài liệu học tập và các đánh giá phải được số hóa và có tính tương tác, thích ứng với từng học sinh và đưa ra phản hồi ngay lập tức.
Jobs đề nghị tập hợp một nhóm gồm sáu hoặc bảy CEO, những người có thể thật sự lý giải những thách thức đổi mới nào mà nước Mỹ đang phải đối mặt, và Tổng thống đã đồng ý. […]
Vào tháng 2 năm 2011, Doerr bắt đầu lên kế hoạch tổ chức một bữa ăn tối nhỏ cho Tổng thống Obama tại Thung lũng Sillicon. […]
Mười hai chuyên gia hàng đầu về công nghệ đã được lựa chọn, trong đó có Eric Schmidt của Google, Carol Bartz của Yahoo, Mark Zuckerberg của Facebook, John Chambers của Cisco, Larry Ellison của Oracle, Art Levinson của Genentech và Reed Hastings của Netflix. […]
Jobs, ngồi cạnh Tổng thống, bắt đầu bữa tối khi nói: “Bất kể niềm tin chính trị của chúng ta như thế nào, tôi muốn ngài biết rằng chúng tôi ở đây để làm bất cứ điều gì ngài yêu cầu có thể giúp ích cho đất nước của chúng ta”. Ngoại trừ câu nói đó, ban đầu bữa tối trở thành một buổi nói chuyện dài với những đề xuất về việc Tổng thống có thể làm gì để phát triển các doanh nghiệp ở đây.
Chẳng hạn, Chambers đưa ra đề xuất về thời gian ưu đãi thuế hồi hương, cho phép các tập đoàn lớn có thể tránh được các khoản thuế phải trả cho các khoản lợi nhuận thu được ở nước ngoài nếu họ đem về Mỹ đầu tư trong một giai đoạn nhất định. […]
Tới lượt Jobs, ông nhấn mạnh nhu cầu cần có thêm nhiều kỹ sư lành nghề và đề xuất rằng bất cứ một sinh viên nước ngoài nào có được tấm bằng kỹ sư tại Mỹ nên được cấp visa ở lại đất nước này.
Obama nói rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được trong bối cảnh của Dream Act (Đạo luật Ước mơ), đạo luật giúp những người nhập cư trái phép đến Mỹ khi còn nhỏ và tốt nghiệp trung học được trở thành công dân hợp pháp - một điều mà Đảng Cộng hòa đã phản đối.
Jobs nhận thấy đây là ví dụ về rào cản của chính trị có thể dẫn tới sự tê liệt trong việc vận hành đất nước. “Tổng thống rất thông minh, nhưng ông ấy vẫn không ngừng lý giải cho chúng tôi về những lý do mọi việc lại không thể thực hiện”, Jobs nhớ lại. “Điều đó khiến tôi phát điên”.
Jobs vẫn tiếp tục thuyết phục Tổng thống rằng có một cách để đào tạo nhiều kỹ sư người Mỹ hơn. Apple có hơn 700.000 công nhân đang làm việc tại các nhà máy ở Trung Quốc, ông nói, và rằng Apple cần có 30.000 kỹ sư tại chỗ để trợ giúp cho những công nhân kia. Những kỹ sư này không buộc phải có bằng tiến sĩ hay phải là những thiên tài; họ chỉ cần có các kỹ năng cơ bản của một kỹ sư để phục vụ cho sản xuất.
Các trường công nghệ, đại học cộng đồng hoặc trường thương mại có thể đào tạo họ. “Nếu ngài có thể đào tạo những kỹ sư này”, Jobs nói, “chúng ta có thể chuyển nhiều nhà máy sản xuất về Mỹ”. Cuộc tranh luận đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với Tổng thống. Hai hoặc ba lần trong tháng sau đó, ông đã nói với các phụ tá của mình: “Chúng ta cần phải tìm ra các cách thức để đào tạo được 30.000 kỹ sư sản xuất mà Jobs đã nói”.
Jobs rất hài lòng vì Tổng thống vẫn tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này, và họ đã nói chuyện điện thoại vài lần sau buổi gặp đó. Ông đề nghị giúp sáng tạo các quảng cáo chính trị cho Obama trong chiến dịch tranh cử năm 2012.
Walter Isaacson / Alpha Books - NXB Thế giới