Xu hướng kinh doanh thực phẩm chay tại Hà Nội
Những món ăn chay được chế biến công phu và trình bày đẹp mắt.
Sự gia tăng số lượng người ăn chay ở Hà Nội được lý giải bởi nhiều yếu tố. Các nghiên cứu gần đây cho thấy thực phẩm chay thường giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, ít chất béo bão hòa. Chế độ ăn chay giúp cải thiện sức khỏe như giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường và béo phì. Do vậy, người dân đã thay đổi nhận thức về lợi ích của ăn chay đối với sức khỏe.
Bên cạnh đó, chăn nuôi là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường, từ khí thải nhà kính đến lạm dụng tài nguyên nước. Việc giảm tiêu thụ thịt và sản phẩm từ động vật có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Ăn chay phù hợp với xu hướng sống xanh, bảo vệ động vật và môi trường. Xu hướng này đã giúp mở rộng thị trường cho các nhà hàng, quán ăn và cửa hàng thực phẩm chay để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Len, 70 tuổi là người thường xuyên ăn chay và có ý thức trong việc chọn món chay phù hợp với sức khỏe của mình, tâm sự: "Thực đơn chay của các nhà hàng hiện nay rất phong phú và đa dạng. Từ món mới đến món truyền thống như phở đều được làm từ những nguyên liệu tốt cho sức khỏe, nhất là những người cao tuổi như tôi".
Chị Nguyễn Thị Hương, đầu bếp của nhà hàng chay Hương Nguyễn ở huyện Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất vui vì các món tôi nấu được nhiều khách hàng yêu thích và đón nhận. Hiện nay, khách đến quán ngày một đông hơn”.
Chị Cấn Thị Thu Hiền, chủ Nhà hàng Chay Son Bistro ở Cầu Giấy nói: “Tôi quyết định đầu tư vào ngành kinh doanh đồ ăn chay vì ở nước ta có nguồn nguyên liệu dồi dào, chi phí nhân công hợp lý, thị trường rất tiềm năng và ngày càng phát triển”.
Mặc dù kinh doanh thực phẩm chay tại Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều nhà hàng và cửa hàng thực phẩm chay được mở ra, tệp khách hàng phong phú dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực để tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm và dịch vụ, từ chất lượng món ăn đến trải nghiệm của khách hàng.
Anh Đỗ Văn Học, chuyên gia huấn luyện kinh doanh ngành chay cho biết: "Không ít người vẫn còn e ngại vì nghĩ ăn chay không bảo đảm sức khỏe. Mặt khác, các chủ doanh nghiệp chay còn thiếu kiến thức liên quan đến quản lý, kinh doanh lĩnh vực này".
Cùng với đó, giá thành của sản phẩm chay thường cao hơn thực phẩm thông thường do nguyên liệu, quy trình và chi phí sản xuất đắt đỏ nên khó tiếp cận đến những người tiêu dùng có thu nhập thấp. Việc thay đổi thói quen ăn uống lâu năm không phải là điều dễ dàng và các doanh nghiệp chay cần có chiến lược marketing hiệu quả để định hướng khách hàng hiểu rõ hơn về lợi ích của việc ăn chay.
Theo anh Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc marketing và truyền thông Công ty cổ phần NPD Việt Nam thì các doanh nghiệp chay cần phải lên kế hoạch một cách bài bản chuyên nghiệp. Đầu tiên là kế hoạch kinh doanh, sau đó đến kế hoạch marketing và truyền thông.
Anh Đỗ Văn Học cho biết thêm: “Nếu đã xác định kinh doanh lĩnh vực này thì bên cạnh việc có tâm thiện lành và kiến thức về ẩm thực, các nhà đầu tư cần phải trang bị đầy đủ kiến thức về kinh doanh, vận hành doanh nghiệp. Như vậy ngành chay mới có cơ hội phát triển”. Ngày càng nhiều bạn trẻ có ý thức hơn về chế độ ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Với xu hướng chọn mua các sản phẩm chay hữu cơ, lành mạnh, họ đang góp phần vào sự phát triển của thị trường thực phẩm chay.
DIỆP VÂN