Xây nhà 'nhiều cột' để gia đình trẻ giữ hạnh phúc
Đó là chia sẻ của TS. Trần Thị Thu Hiền - Phó Trưởng khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam khi bàn về cách "giữ lửa" hôn nhân cho các gia đình trẻ hiện nay.
Hôn nhân thời đại mới, xóa quan niệm cũ
Theo TS. Trần Thị Thu Hiền, những khuôn mẫu, định kiến trong gia đình Việt Nam truyền thống như "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm’’; "đàn ông là trụ cột’’ cũng đã có sự thay đổi.
"Theo tôi, cả nam và nữ đều phải có cả 3 vai trò: vai trò sản xuất; tái sản xuất; vai trò cộng đồng. Vai trò sản xuất là tự chăm sóc được bản thân và gánh vác được trách nhiệm của gia đình và sản xuất trong gia đình, xã hội. Vai trò tái sản xuất là nuôi dưỡng và chăm sóc. Vai trò cộng động là cống hiến và phục vụ cộng đồng", chuyên gia nói.
Vì lẽ đó, nếu cho rằng phụ nữ "giỏi việc nước, đảm việc nhà" thì chưa đủ; nam giới cũng cần có trách nhiệm tương tự. Bình đẳng giới khẳng định rằng nam và nữ có vị trí và vai trò như nhau, và các giới tính khác cũng cần có cơ hội và điều kiện tương tự.
Theo chuyên gia, thay vì để nhà "một cột", hãy chia sẻ thành nhà "nhiều cột" để cùng nhau xây dựng gia đình, cùng xây dựng kinh tế, cùng vun đắp gia đình, cùng nuôi dạy con cái - đó là nền tảng của một hôn nhân hạnh phúc.
Trên quan niệm của bình đẳng giới, không phải chia đều công việc cho nhau mà phân công công việc, ai làm tốt việc gì thì làm việc đó sao cho phù hợp. Cuộc sống gia đình sẽ trở nên khó khăn, trăn trở nếu có những áp lực vô hình đè nặng lên cả nam giới và nữ giới.
Do đó, đời sống gia đình chỉ trở nên hạnh phúc khi cùng nhau chia sẻ, cùng thống nhất và đồng cảm cho nhau trong môi trường sống.
Cùng nhau xây dựng dựa trên nền tảng tri thức
Dưới góc nhìn xã hội học, TS. Nguyễn Thị Thu Hoài - Giảng viên khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, đối với một bạn trẻ ra trường ở độ tuổi 23 - 25 rồi đi làm mà không có sự nâng đỡ từ gia đình, sẽ phải mất đến 10 năm để có một nền tảng vững chắc tự tin bước vào cuộc sống gia đình.
"Đối với tôi, việc các bạn trẻ tập trung phát triển sự nghiệp và xây dựng nền tảng vững chắc trước khi tiến tới hôn nhân là hoàn toàn hợp lý. Những bạn trẻ như vậy đã thể hiện trách nhiệm đối với bản thân và tương lai của mình. Ở đây, không phải thế hệ trước không có trách nhiệm, mà nhu cầu vật chất và điều kiện sống thời ấy thấp hơn, đặc biệt là trong thời kỳ bao cấp. Khi đó, việc học thường được nhà nước hỗ trợ, chi phí rất ít, và nhu cầu sống cũng đơn giản hơn", TS. Hoài nói.
Theo chuyên gia xã hội học, để xây dựng một gia đình hạnh phúc, cần rất nhiều yếu tố, từ vật chất đến tình cảm giữa hai vợ chồng. Hai người cần cùng nhau xây dựng, và điều đầu tiên cần có là tri thức. Dù là con trai hay con gái, cả hai đều cần được giáo dục một cách chu đáo để có sự chuẩn bị rõ ràng cho tương lai.
Ngày nay, một người kiếm sống không đủ để nuôi gia đình, vì vậy cả vợ và chồng đều cần có tri thức để cùng nhau tạo dựng cuộc sống. Hơn nữa, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, việc dạy dỗ con cái không thể chỉ phụ thuộc vào một người. Với sự hội nhập và thay đổi liên tục, trẻ em rất dễ bị thu hút bởi nhiều yếu tố bên ngoài. Do đó, cả vợ và chồng cần cùng nhau chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái.
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài cho rằng, để xây dựng một gia đình bền vững, mỗi bạn trẻ cần trang bị cho mình nền tảng kiến thức đầy đủ, để một mặt phát triển bản thân và củng cố mối quan hệ gia đình, tạo nên một môi trường sống tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, để khuyến khích giới trẻ kết hôn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vật chất và những ưu đãi an sinh như các khoản hỗ trợ giới trẻ khởi nghiệp, mua nhà, chi phí cho trẻ em đi học...
Hoàng Ngọc - Diệu Nhi