1. Kinh doanh

Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản miền núi bền vững

Nông sản khu vực miền núi ngay càng tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng

Chị Trần Thị Hồng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Suối Bàng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chia sẻ, hơn chục năm trước đây, người dân địa phương chỉ biết trồng ngô và dong riềng theo kỹ thuật truyền thống. Qua thời gian, chất lượng đất và cây trồng đều bị giảm sút nên năng suất không cao. Vợ chồng chị nhận thấy tiềm năng của xã thích hợp để trồng cây ăn quả do có nhiều mạch nước đầu nguồn trong lành và dồi dào.

Năm 2016, cùng với 3 thành viên khác, vợ chồng chị đã thành lập hợp tác xã, trồng thử nghiệm 10 ha cam, nhãn, xoài, bưởi tại các bản Ấm, Pưa Lai và Sôi. Đến nay, hợp tác xã đã có hơn 20 hộ tham gia đóng góp công sức, đất đai để canh tác để trồng cây ăn quả.

Hợp tác xã đảm bảo các kỹ thuật cập nhật cho các thành viên và bao tiêu sản phẩm. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm của hợp tác xã không chỉ được bán dưới dạng trái cây tươi, nông sản theo mùa vụ, mà còn chế biến thành các sản phẩm trái cây sấy khô…, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại.

Chị Trần Thị Hồng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Suối Bàng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Ở xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, chị Cao Thị Tâm (Giám đốc HTX Măng Tân Xuân 269) cũng đã thành công khi liên hết, tiêu thụ cùng bà con địa phương sản xuất ra các sản phẩm măng sạch và tiếp thị cũng như bán hàng trực tuyến. Sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Voso, Zalo và Facebook… Từ đó, doanh số bán ra của HTX đã tăng và thu nhập cũng được cải thiện.

Chị Cao Thị Tâm (Giám đốc HTX Măng Tân Xuân 269) làm quen với cách tiếp thị, bán hàng trực tuyến

Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản miền núi

Hiện toàn tỉnh Sơn La có trên 350.000 ha đất nông nghiệp. Tận dụng lợi thế về khí hậu, đất đai, các địa phương đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu nông sản theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phục vụ các nhà máy, cơ sở chế biến. Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, góp phần thúc đẩy nông nghiệp của huyện chuyển dịch đúng định hướng; tập trung tăng năng suất, chất lượng, tăng giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Theo Sở Công Thương Sơn La, từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương đã tổ chức 9 lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm nông sản trên nền tảng mạng xã hội (Tiktok, Zalo, Facebook) và các nền tảng thương mại điện tử trên địa bàn các huyện Yên Châu, Mộc Châu và thành phố Sơn La. Qua đó, giúp nhiều hợp tác xã, nông dân tiếp cận được công nghệ, chủ động tổ chức livestream tại vườn, bán nông sản khá hiệu quả. Nhiều nông dân không chỉ biết bán sản phẩm, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin của khách hàng với nông sản địa phương.

Thời gian tới, Sở Công Thương Sơn La sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở các lớp tập huấn, hỗ trợ nông dân, thành viên hợp tác xã các kỹ thuật livestream, giúp người nông dân sử dụng thành thạo các ứng dụng, nền tảng trên điện thoại, nắm được kỹ thuật livestream, đóng gói, giao dịch online... để họ trở thành những nhà sáng tạo nội dung, thúc đẩy doanh số bán hàng và giải quyết đầu ra, xúc tiến tiêu thị nông sản một cách bền vững cho khu vực miền núi.

Lê Hoa

Tin khác