Vương Văn Thọ - thanh niên điển hình vượt khó
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở một thôn đặc biệt khó khăn của xã Cảm Nhân, trước đây, khi cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn, anh Thọ luôn trăn trở suy nghĩ làm sao để gia đình có cuộc sống ổn định, no ấm. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2007, anh Thọ quyết định không tiếp tục theo học chuyên nghiệp như bạn bè cùng trang lứa mà bươn trải đi làm thuê nhiều nghề kiếm sống phụ giúp gia đình. Sau một thời gian lao động, tích cóp được chút vốn, anh Thọ suy nghĩ phải xây dựng mô hình phát triển kinh tế tổng hợp ngay tại quê hương.
Nghĩ là làm, anh tích cực tìm tòi, học hỏi những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại các địa phương và tìm hiểu trên các trang mạng xã hội; đồng thời, vay mượn thêm vốn người thân gia đình, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trang trại nuôi trồng tổng hợp. Trong đó, anh quy hoạch xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, gà; đầu tư nuôi ốc nhồi, trồng cây ăn quả và trồng rừng.
Hiện, gia đình anh luôn duy trì đàn lợn thương phẩm trên 20 con; ngăn chia hơn 4 sào ao nuôi ốc nhồi, trồng hơn 4 ha bồ đề, keo; đầu tư mua cây giống, trồng trên 200 gốc bưởi da xanh và một số cây trồng khác. Chăm chỉ lao động, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Thọ ngày càng có thu nhập ổn định, phát triển tăng dần từng năm. Nghị lực vươn lên, năng động, không cam chịu đói nghèo, năm 2021, nhận thấy tiềm năng, lợi thế tại địa phương, anh Thọ tiếp tục đầu tư mua 5 đôi con dúi giống về nuôi thử nghiệm. Nhận thấy, nuôi dúi dễ chăm sóc, ít mắc bệnh, nguồn thức ăn sẵn có và đầu ra luôn ổn định, hiệu quả kinh tế cao, anh quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi và đến nay đàn dúi của anh luôn duy trì trên 100 con.
Anh Thọ chia sẻ: "Nuôi dúi không quá khó, chỉ cần nắm rõ một vài yếu tố kỹ thuật cơ bản là có thể thành công vì loài này có sức đề kháng tốt, ít nhiễm dịch bệnh. Hằng ngày, cần vệ sinh chuồng trại phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Một năm, dúi đẻ từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 2 - 4 con; dúi nuôi trong khoảng 8 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng từ 2 - 2,5 kg/con. Hiện, gia đình bán dúi giống 500.000 đồng/đôi; dúi thương phẩm bán từ 500.000 đến 600.000 đồng/kg tùy từng thời điểm”.
Với ý chí quyết tâm của tuổi trẻ, anh Vương Văn Thọ đã vượt qua khó khăn, gây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp vững chắc. Những sản phẩm của anh làm ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Hằng năm, từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, gia đình anh Thọ luôn có nguồn thu nhập đạt trên 200 triệu đồng.
Không tự bằng lòng với những kết quả đã đạt được, đầu năm 2024, anh Thọ tiếp tục thử nghiệm nuôi con đuông dừa với mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài. Theo anh Thọ, nuôi đuông dừa là một mô hình mới ở địa phương; tuy nhiên, qua tìm hiểu và thử nghiệm đuông dừa là loại côn trùng dễ nuôi, chỉ cần bỏ chút vỏ dừa lúc đầu là chúng có thể sống hết cả một quãng thời gian đến khi thu hoạch. Trong quá trình nuôi, đuông dừa gần như không bị bệnh tật gì mà phát triển rất tốt.
Hiện, số đuông dừa của anh Thọ đang phát triển, nếu thành công cũng có nguồn thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi năm. Thành công bước đầu từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, đặc biệt là mô hình nuôi dúi sinh sản của anh Thọ không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, mà còn mở ra hướng khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh kinh tế nông nghiệp ở địa phương.
Bằng những nỗ lực của bản thân trong lao động, từ một hộ kinh tế khó khăn, đến nay, mô hình chăn nuôi, trồng trọt của anh Vương Văn Thọ đã có thu nhập ổn định. Anh là một trong những tấm gương điển hình thanh niên vượt khó trong phát triển kinh tế của địa phương, góp phần lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm cho đoàn viên, thanh niên cũng như bà con trong xã. Vương Văn Thọ xứng đáng là tấm gương cho đoàn viên, thanh niên học tập, làm theo.
Vũ Đồng