1. Kinh doanh

Vụ lừa đảo tinh vi 'nẫng' đi 24 tấn phô mai thượng hạng ở London

Loại phô mai thủ công được săn lùng nhất nước Anh

Neal's Yard Dairy, nhà phân phối và bán lẻ phô mai (hay còn gọi là pho mát) có trụ sở tại London, Anh quốc vừa trở thành nạn nhân của một “vụ lừa đảo tinh vi” khi 24 tấn phô mai đã bị lấy đi, trị giá tới 389.000 USD.

Sở Cảnh sát Thủ đô London cho biết, hôm 21-10, họ đã nhận được trình báo về vụ trộm một lượng lớn pho mát từ một công ty có trụ sở tại quận Southwark của London. Cho đến cuối tháng 10 này, chưa có vụ bắt giữ nào được thực hiện.

Hơn 24 tấn phô mai thủ công thượng hạng của nhà phân phối Neal's Yard Dairy đã bị lừa lấy đi mà không để lại dấu vết

Thông tin từ Neal’s Yard cho thấy, những kẻ lừa đảo đã đóng giả “là nhà phân phối hợp pháp cho một nhà bán lẻ lớn của Pháp”. Công ty đã giao pho mát sau đó mới nhận ra là bị lừa. Họ cho rằng, số pho mát bị đánh cắp “có thể không bao giờ tìm lại được”.

Neal’s Yard cho biết những loại pho mát bị đánh cắp nằm trong số “những loại pho mát thủ công được săn lùng nhất” tại Vương quốc Anh. Những loại pho mát cheddar bị đánh cắp từng đoạt giải thưởng lớn và quy trình làm ra nó khá công phu, phức tạp.

Trong một tuyên bố được Neal's Yard chia sẻ, ông Tom Calver, Giám đốc của Westcombe Dairy, nhà sản xuất một trong những loại pho mát bị đánh cắp cho biết, các sản phẩm được bắt đầu làm từ gần 3 năm trước, “khi chúng tôi gieo hạt giống để làm thức ăn cho gia súc”.

“Lượng công sức bỏ ra để nuôi bò với phương pháp chăn nuôi tốt nhất và chế biến từng mẻ sữa để tạo ra loại pho mát tốt nhất không ước tính được. Việc bị đánh cắp như vậy là điều hoàn toàn khủng khiếp”, ông Tom Calver nói.

Trong khi vụ trộm gây ra một đòn giáng tài chính đáng kể, công ty vẫn thực hiện đúng cam kết với các nhà cung cấp. Trong bài đăng trên Facebook cuối tuần qua, Neal’s Yard kêu gọi những người bán phô mai trên toàn thế giới hãy cảnh giác và thông báo nếu họ được cung cấp hoặc chào bán những loại phô mai có thể liên quan đến vụ trộm, đặc biệt là phô mai Cheddar bọc vải có định dạng 10 kg hoặc 24 kg với nhãn mác bị tháo rời.

Không ít doanh nghiệp đã “sập bẫy”

Vụ lừa đảo ở Neal’s Yard khiến ông Chris Swales, chủ hãng Chapel and Swan Smokehouse ở Exning, Suffolk ngay lập tức nhận ra những điểm tương đồng với “kịch bản lừa” mà công ty ông gặp phải.

Chris Swales, ông chủ của hãng Chapel and Swan Smokehouse, từng bị mất một lô hàng cá hồi vì bị giả danh nhà phân phối lớn đặt hàng

Công ty do ông Swales làm chủ đã được một người tự xưng là đại diện của một siêu thị Pháp đặt hàng cung cấp một lượng lớn cá hồi hun khói. Ông Swales không cảm thấy nghi ngờ bởi vị khách hàng tiềm năng khi trò chuyện đã thể hiện kiến thức ấn tượng về ngành cá và vận chuyển thực phẩm chuyên dụng.

Người mua - tự xưng là Patrick Moulin - đã đặt hàng 4 tấn cá hồi, cắt thành từng phần 1kg, được giao thành 2 đợt cách nhau 21 ngày. Chỉ sau khi một công ty vận tải lớn của Anh nhận lô hàng đầu tiên và giao đến một trung tâm được cho là ở London trước khi vận chuyển đến Pháp, ông Swales mới bắt đầu nhận ra có điều gì đó bất ổn.

Khi đó, “Moulin” đã nuốt lời và khăng khăng sẽ trả tiền cho cả 2 đơn hàng cùng lúc, trước khi cắt đứt liên lạc. Ông Swales đã đến địa điểm giao hàng và thấy đó là một bãi chứa container vận chuyển bị hư hỏng.

Ông Swales liên lạc với Neal's Yard sau khi nghe tin họ bị lừa và cho biết ông cũng đã nói chuyện với một công ty cá hồi hun khói khác ở Scotland, công ty này cũng đã bị lừa tương tự.

“Rõ ràng là có rất nhiều vụ việc lừa đảo thế này đang diễn ra, ngay trong lĩnh vực thực phẩm cao cấp. Điều mà tôi cứ canh cánh là chuyện này sẽ đi về đâu và làm sao có thể đưa được những sản phẩm bị đánh cắp này ra thị trường?”, ông Swales bày tỏ.

Theo doanh nhân này, bọn lừa đảo phải có kế hoạch tỉ mỉ, rõ ràng và có vẻ như những kẻ đứng sau thực sự hiểu biết về thực phẩm. Chúng cũng cần những người có kinh nghiệm về vận chuyển và lưu trữ thực phẩm…

“Điều khiến tôi thấy bực bội nhất về chuyện này là tôi thực sự đã làm phần lớn công việc mà người ta mong đợi các nhà điều tra sẽ làm. Tôi đã xác định được điểm giao hàng. Chúng tôi biết chúng được lưu trữ ở đâu - ở Litva - và chúng tôi biết máy chủ ở đâu, Vancouver”, ông chủ hãng nói.

Mặc dù đã báo cáo với Action Fraud, trung tâm báo cáo quốc gia về gian lận và tội phạm mạng vào ngày 11-10, đến nay ông Swales vẫn chưa nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email nào.

Theo Guardian

Yên Vũ

Tin khác