1. Kinh doanh

Vì sự tiến bộ của phụ nữ

Chị Lê Thị Năm (xã Quảng Hải, Quảng Xương) là một trong những khách hàng tiêu biểu của Tổ chức TCVM Thanh Hóa.

Nguồn vốn vi mô - chìa khóa mở ra “cánh cửa tương lai” ho phụ nữ nghèo

Hành trình 26 năm kể từ khi bắt đầu triển khai hoạt động, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa luôn kiên định với mục tiêu “vì sự phát triển cộng đồng”, “vì sự tiến bộ phụ nữ”, đặc biệt là phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế... Nguồn vốn vi mô được thiết kế không chỉ giúp hỗ trợ tài chính, mà còn giúp phụ nữ có cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội một cách chủ động. Nhiều chị em đã dùng nguồn vốn này để khởi nghiệp, phát triển các mô hình kinh doanh vi mô, từ đó tạo thu nhập ổn định, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Chị Lê Thị Năm, thôn Bồi Nguyên, xã Quảng Hải (Quảng Xương), chia sẻ: “Trước đây tôi không có đủ vốn để đầu tư, mở rộng cửa hàng nên chỉ buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập thấp. Nhưng nhờ nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, tôi đã mở rộng quy mô cửa hàng, đa dạng các mặt hàng nên lượng khách đến mua hàng ngày càng đông, công việc kinh doanh ngày càng thuận lợi. Điều đó không chỉ giúp tôi có thu nhập ổn định mà còn tạo điều kiện để tôi cho các con đi học tốt hơn. Bây giờ tôi tự hào khi có thể tự chủ được cuộc sống của mình”.

Nâng cao năng lực và giá trị của phụ nữ trong gia đình và xã hội

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp vốn vay, Tổ chức TCVM Thanh Hóa còn tạo điều kiện cho khách hàng là phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thu nhập thấp, yếu thế... tiếp cận các khóa tập huấn về quản lý tài chính, phát triển kinh doanh, bán hàng trên nền tảng số... Nhờ đó, hàng chục ngàn phụ nữ đã không chỉ làm chủ kinh tế mà còn nâng cao kỹ năng quản lý, tạo nên những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả; từ những người nội trợ, chỉ quen với việc đồng áng, chăn nuôi, cuộc sống bộn bề khó khăn đã vươn lên trở thành những nữ doanh nhân vi mô tiêu biểu. Họ không chỉ giúp gia đình mình thoát nghèo, tạo việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương mà còn trở thành những tấm gương “vượt lên số phận”, truyền cảm hứng, tạo động lực cho các chị em khác phấn đấu và vượt qua khó khăn.

Trong khu xưởng rộn ràng khí thế lao động, sản xuất, chị Vũ Thị Hằng (thị xã Bỉm Sơn) nhớ lại những ngày tháng khó khăn, vất vả của mình trước đây. Chị bảo: “Thời buổi này, thuận vợ thuận chồng nương tựa, dìu dắt nhau còn vất vả đủ bề nói gì đến người đàn bà góa bụa, một thân một mình bươn chải như tôi”. Sau thời gian lăn lộn mưu sinh nơi đất khách quê người, chị Hằng quyết định về quê, mạnh dạn dốc hết vốn liếng dành dụm mở xưởng nhỏ chuyên gia công quần áo, túi xách cho các công ty với 5 lao động.

Do quy mô nhỏ, năng lực tài chính có hạn nên xưởng may của chị Hằng gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên liệu, nguồn hàng, nhân lực đảm bảo hoạt động sản xuất. Năm 2018, chị Hằng biết đến Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Qua tìm hiểu từ phương thức hoạt động, hình thức cho vay vốn không thế chấp, cùng sự tận tâm, nhiệt tình hướng dẫn của cán bộ phụ nữ thôn, xã, cán bộ tín dụng TCVM, chị Hằng mạnh dạn tham gia. Với mức vay ban đầu là 30 triệu đồng, chị Hằng có điều kiện, chủ động và tự tin hơn trong việc chuẩn bị nguồn hàng, ổn định và mở rộng quy mô sản xuất. Thành công ấy là “điểm tựa”, động lực để chị Hằng tiếp tục tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa và ngày càng gặt hái thành công. Đến nay, chị Hằng đã có 3 xưởng gia công đặt tại các huyện, thị xã: Bỉm Sơn, Hà Trung, Thạch Thành góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Trong một xã hội mà phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nguồn vốn vi mô tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo, yếu thế từng bước vươn lên khẳng định giá trị và vị thế của mình thông qua những việc làm thiết thực, hiệu quả. Phụ nữ hôm nay vừa là người biết “thắp” và “giữ” lửa gia đình. Hơn hết, họ đã tự tin khẳng định mình trên mọi lĩnh vực; nhiều người là nữ lãnh đạo tài năng, bản lĩnh, quyết liệt nhưng không kém phần duyên dáng, linh hoạt, khéo léo. Nguồn vốn vi mô không chỉ mang lại lợi ích cá nhân mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng. Khi phụ nữ có cơ hội phát triển kinh tế, họ sẽ tái đầu tư vào gia đình, vào giáo dục và vào cộng đồng. Đây chính là sự thay đổi mang tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các gia đình và cộng đồng phát triển. Họ đã và đang khẳng định rằng, khi được trao cơ hội, phụ nữ và giá trị mà phụ nữ mang lại cũng không hề thua kém bất kỳ người đàn ông nào.

Trên những bước đường xây dựng và phát triển, Tổ chức TCVM Thanh Hóa luôn trân trọng, tôn vinh và dành mọi điều tốt đẹp cho những nữ khách hàng của mình - những người phụ nữ đã mạnh mẽ, kiên cường đi qua khó khăn, thử thách cuộc đời để vươn lên, từng bước xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và xã hội. Tổ chức TCVM Thanh Hóa - một tổ chức đã và đang đóng góp rất lớn cho sự thay đổi tích cực trong tư duy, nhận thức và hành động của nhiều phụ nữ nghèo, yếu thế.... Tổ chức TCVM Thanh Hóa không chỉ mang lại những giá trị vật chất mà còn mang lại hy vọng và niềm tin cho phụ nữ, giúp họ vươn lên và phát triển toàn diện.

Bài và ảnh: Hoàng Linh

Tin khác