Vì sao ZUS Coffee phát triển như vũ bão
Đối với người Malaysia, khi được hỏi về hãng cà phê thành công nhất, họ sẽ nhắc đến ZUS Coffee - hãng đồ uống khởi nghiệp Malaysia. Chỉ trong vòng 5 năm, ZUS đã có hơn 600 cơ sở tại hai quốc gia và vẫn có tham vọng mở rộng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bí mật của ZUS là sự đồng nhất trong hoạt động, thấu hiểu thị trường và phần nào đó là may mắn.
“Chúng tôi tự định vị mình giữa cà phê trong cửa hàng tiện lợi và các hãng cao cấp như Starbucks”, ông Venon Tian, Giám đốc vận hành của ZUS và là một trong bảy đồng sáng lập công ty, nói với Nikkei Asia. “Mục tiêu của chúng tôi là đem tới cà phê ngon với giá thành phù hợp với người tiêu dùng trung bình”.
Chìa khóa thành công
Giống như các hãng bán lẻ khác tại Đông Nam Á, ZUS coi “những người tiêu dùng trung bình” là tầng lớp trung lưu và nhất là thế hệ 8x trở về sau, vốn có tiềm năng chi tiêu mạnh mẽ. Theo hãng nghiên cứu người tiêu dùng World Data Lab, thế hệ 8x trở về sau tại Malaysia sẽ chi 131 tỷ USD trong năm nay - chiếm tới 52% tổng chi tiêu cùng kỳ của quốc gia Đông Nam Á. Tới năm 2030, con số này sẽ lên tới 184 tỷ USD.
Theo ông Saravanan Thambirajah, Giám đốc điều hành Hiệp hội Người tiêu dùng Malaysia (FOMCA), cho biết đối với thế hệ trẻ, cà phê không chỉ là một loại đồ uống mà còn là văn hóa. “Thế hệ trẻ Malaysia ngày càng ưa thích các quán cà phê cao cấp do chúng thể hiện phong cách sống và đẳng cấp nhất định”, ông nói.
Đối với ZUS, công nghệ là một phận quan trọng của văn hóa cà phê. Hình mẫu của họ là Luckin Coffee, chuỗi đồ uống đã vươn mình chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây.
Sau khi bán công ty khởi nghiệp trước đó, ông Ian Chua, CEO hiện tại của ZUS, cùng 6 người bạn sáng lập chuỗi cà phê mới. Tại ZUS, khách hàng có thể đặt đơn qua nền tảng số và được phục vụ nhanh chóng - hai khái niệm còn tương đối lạ lẫm với người Malaysia khi đó.
“Chúng tôi đã quen thuộc với cách các ứng dụng và thương mại điện tử vận hành”, ông Tian nói, cho biết ZUS thậm chí ra mắt ứng dụng trước khi mở cửa hàng đầu tiên. “Chúng tôi khởi đầu với một ki-ốt rộng 18 mét vuông với số vốn ban đầu 300.000 ringgit (khoảng hơn 72.000 USD)".
Ban đầu, ZUS chưa thể phát triển mạnh mẽ do “Malaysia chậm chấp nhận thanh toán không dùng thẻ và đặt cà phê trực tuyến”, ông Tian nói. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập đến, khiến tình hình thay đổi hoàn toàn. Dịch vụ đặt hàng trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc trở thành điều bình thường, giúp ZUS đến gần hơn với khách hàng.
“Đại dịch đã chứng minh cho mô hình của chúng tôi”, ông Tian chia sẻ, cho rằng do ZUS đã “sẵn sàng với kỹ thuật số” ngay từ những ngày đầu.
Trong đại dịch, dịch vụ đặt hàng chiếm tới 70% doanh thu của ZUS. Sau khi các lệnh hạn chế được gỡ bỏ, tỷ lệ này đảo ngược - 70% doanh thu đến từ những người uống trực tiếp ở cửa hàng.
Tới năm 2022, ZUS có 180 cửa hàng tại Malaysia. Giờ đây, con số này đã vươn lên 566 và được kỳ vọng sẽ đạt mốc 700 vào cuối năm nay.
World Data Lab dự đoán thị trường dịch vụ ăn uống tại Malaysia sẽ tăng trưởng trung bình 9%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và đạt mốc 11 tỷ USD vào cuối thập kỷ. Động lực chính của tăng trưởng sẽ là thế hệ trẻ.
Ngoài Malaysia, ZUS cũng đã bắt đầu xâm nhập thị trường Philippines từ năm 2023. Đến nay, ZUS đã có 52 cửa hàng. Họ mong muốn nâng con số này lên 120 vào cuối năm nay. Ngoài ra, ZUS cũng đang nhắm đến thị trường Singapore, Brunei và nhất là Indonesia - nơi ông Tian mô tả là “cơ hội lớn”.
Năm 2023, doanh thu của ZUS là 200 triệu ringgit (hơn 46 triệu USD), tăng gần 13 lần so với chỉ hai năm trước đó. Ông Tian dự đoán doanh thu năm 2024 có thể lên tới khoảng 600 triệu ringgit. Trong khi đó, lợi nhuận ròng của ZUS đã tăng từ 134.000 ringgit năm 2021 lên hơn 10 triệu ringgit năm 2023, và có thể đạt khoảng 30 triệu ringgit năm nay.
Thách thức và cơ hội
Theo ông Raja Hamzah Abidin, đồng sáng lập hãng đầu tư mạo hiểm RHL Ventures, giá trị thị trường của ZUS rơi vào khoảng một tỷ ringgit (khoảng hơn 230 triệu USD). Vị chuyên gia đánh giá con số này sẽ đủ để ZUS lên sàn chứng khoán trong những năm tới.
Dù vậy, ông cũng lo ngại sự tăng trưởng nhanh chóng của ZUS có thể là thách thức đối với công ty này. “Tôi muốn chỉ ra hai nguy cơ lớn nhất đối với ZUS - thứ nhất là mở rộng quá nhanh chóng do họ cần tăng trưởng để thỏa mãn kỳ vọng vươn ra các thị trường mới của các nhà đầu tư. Nguy cơ thứ hai là chuỗi cung ứng do họ có thể đối mặt với giá vật liệu thô tăng cao”.
Công nghệ vẫn giữ vai trò trung tâm trong hoạt động của ZUS. Ứng dụng ZUS đã có hơn 4,5 triệu người dùng và khoảng 1,8 triệu người có hoạt động mỗi tháng. Ngoài đặt hàng, ứng dụng còn có các trò chơi và quà tặng cho khách hàng.
“Chúng tôi nghĩ đến các khách hàng trẻ khi xây dựng ứng dụng”, ông Tian nói.
Ngoài công nghệ, các điểm mạnh khác của ZUS là tiêu chuẩn hóa các quy trình, tăng cường tự động hóa và không quá ưu tiên các khách hàng muốn ngồi lâu để thưởng thức không gian - giúp hãng có thể cắt giảm chi phí.
“Starbucks bán chỗ ngồi chứ không chỉ bán cà phê”, ông Tian nhận xét, chỉ ra các chuỗi cà phê toàn cầu như Starbucks hay Coffee Bean bán một ly latte với giá 15 ringgit (khoảng 3,5 USD), trong khi ZUS chỉ bán với giá 9,9 ringgit (khoảng 2,3 USD).
“(Giá của Starbucks) khiến người trẻ không thể uống hàng ngày. Chúng tôi lấp đầy khoảng trống khi bán cà phê chất lượng cao với giá thành bằng một nửa”, ông Tian phân tích. “Nếu tôi quay trở lại 5 năm về trước, tôi có thể mua Starbucks hàng ngày không? Không. Nhưng tôi có thể mua ZUS ba lần mỗi tuần, thế là ổn”.
Nhìn về tương lai, ông Tian cho biết công ty không vội vã lên sàn chứng khoán. Mục tiêu của ZUS là trở thành thương hiệu hàng đầu Malaysia.
“Chúng tôi muốn trở thành AirAsia trong lĩnh vực cà phê - một thương hiệu Đông Nam Á được toàn thế giới biết đến”, ông bày tỏ tham vọng.
Hà Thủy