Veston May 10 hiện diện ở tất cả các thị trường quan trọng nhất trên thế giới
Ngày 5/10, Tổng Công ty May 10 tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm phát triển sản phẩm veston May 10.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết sau 20 thành lập, thương hiệu veston May 10 đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều nhãn hiệu veston cao cấp nhất thế giới đã đến May 10 hợp tác như: Hilton, Savilerow, Black Label, The Scotch House, Paul Stuart…
Nhớ lại chặng đường xây dựng thương hiệu sản phẩm veston, ông Việt chia sẻ, năm 2004 - năm đầu tiên đi vào sản xuất, Xí nghiệp Veston 1 đã sản xuất được gần 200.000 sản phẩm. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào dây chuyền công nghệ thiết bị hiện đại, đổi mới trong thiết kế và chất lượng sản phẩm vượt trội, veston May 10 đã trở thành biểu tượng của sự sang trọng, đẳng cấp mang thương hiệu Việt.
Đặc biệt liên tục trong 2 thập kỷ qua, sản phẩm veston May 10 được xuất khẩu tới các thị trường lớn, “khó tính” trên thế giới như: Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cũng sau 20 năm, sản lượng veston xuất khẩu của May 10 đạt gần 24 triệu sản phẩm với giá trị gần 250 triệu USD. Sản lượng và doanh thu veston hiện nay tăng gấp hơn 14 - 16 lần so với năm 2004.
“Một năm sau khi sản xuất theo đơn đặt hàng nước ngoài, năm 2005 May 10 đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công bộ mẫu và bảng thông số cỡ vóc phù hợp nhất cho người Việt ở mọi lứa tuổi. Đây là cơ sở quan trọng để veston May 10 chiếm lĩnh thị trường trong nước và chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”, ông Việt nhấn mạnh.
Hơn nữa, từ chỗ chỉ bán veston may sẵn, đến năm 2008 May 10 đã tiên phong với lĩnh vực may đo cho khách hàng. Veston May 10 đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các chính khách, doanh nhân và những người yêu thích thời trang.
Hiện nay, rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn lựa chọn dịch vụ may veston đồng phục tại May 10 nhằm nâng cao hình ảnh và thương hiệu. Mỗi bộ veston do May 10 tạo ra không chỉ là trang phục mà còn là lời khẳng định về sự chuyên nghiệp, đẳng cấp.
Trong tương lai, Tổng Giám đốc May 10 khẳng định sẽ vững bước theo đuổi sứ mệnh và chính sách đặt ra. May 10 sẽ luôn mạnh dạn điều chỉnh, đổi mới về phương thức quản lý, kinh doanh, công nghệ, kỹ thuật... Có như vậy, veston May 10 hoàn toàn có thể đặt lòng tin vào hành trình mới kiến tạo và chinh phục những đỉnh cao mới.
Vui mừng trước sự lớn mạnh của thương hiệu veston May 10, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), đánh giá May 10 không phải là doanh nghiệp đi đầu trong tập đoàn và trong cả nước về ngành hàng veston nhưng lại là doanh nghiệp có dấu ấn rõ nét nhất trong ngành hàng veston may đo. Veston May 10 đã từng bước đi lên trở thành sản phẩm cao cấp vì người tiêu dùng và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Veston May 10 đã có mặt ở tất cả các thị trường quan trọng nhất của trên thế giới. Với truyền thống của mình, May 10 đã có được các đối tác bền vững trong suốt hơn 20 năm qua và đã phát triển, phấn đấu, đổi mới liên tục để thỏa mãn khách hàng, thị trường.
Song theo lãnh đạo Vinatex, đối với May 10, thành quả của 20 năm ngành hàng veston còn cho thấy một bài học mới. Đó chính là bài học của việc luôn luôn tìm con đường mới để đi, tìm đại dương xanh để phát triển.
Nếu ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 chúng ta có được ngành hàng veston, thì chắc chắn trong điều kiện thay đổi nhanh như hiện nay, hành vi tiêu dùng ngày càng biến đổi, tuổi thọ mỗi sản phẩm mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh ngày càng ngắn đi... chúng ta luôn đặt câu hỏi sản phẩm tiếp theo của mình là gì. Đó là sản phẩm mới hay một ngách mới phát triển cao hơn sản phẩm hiện có. Từ sản phẩm may tập trung, sản xuất lớn đến sản phẩm may đo phục vụ thị trường trong nước, cộng với công nghệ, trí tuệ nhân tạo và với sản xuất của May 10 để tạo ra sản phẩm may đo phủ sóng toàn cầu là ước mơ của Tập đoàn dệt may Việt Nam và của May 10.
“Trong bối cảnh thị trường thế giới thay đổi nhanh chóng, không tìm thấy khía cạnh mới để gia tăng năng lực cạnh tranh của mình thì rất khó để cạnh tranh bằng “vũ khí” cũ. Trong khi điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập ngày càng cao hơn, sự dịch chuyển sang các quốc gia có trình độ thấp hơn với ngành dệt may là điều tất yếu. Chỉ có sự sáng tạo mới có thể phát triển trường tồn, bền vững”, ông Trường nhấn mạnh.
Vũ Khuê