1. Kinh doanh

Vàng ròng từ nông nghiệp bền vững

Là một trong những doanh nhân Việt xây dựng thương hiệu nông sản và đi ra thế giới thành công, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh chia sẻ về những cột mốc đáng nhớ sau nhiều năm khởi nghiệp, những kế hoạch cho tương lai và niềm tin vững chắc dành cho nông nghiệp.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh. Ảnh: Phúc Sinh

Ván cược của Phúc Sinh với nông nghiệp bền vững

Giữa tháng 8 vừa qua, Phúc Sinh đã công bố nhận tài trợ 25 triệu USD từ quỹ đầu tư của Hà Lan. Khoản đầu tư này có gì khác biệt?

Ông Phan Minh Thông: 25 triệu USD vốn đầu tư này được tài trợ bởi quỹ đầu tư &Green của Hà Lan, được giải ngân trong thời hạn chín năm, trong đó có hai năm ân hạn.

Đây không phải là thương vụ mua cổ phần mà là một khoản đầu tư liên kết với phát triển bền vững. Ngoài tài chính, pháp lý, quỹ cũng đã thẩm định toàn diện rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Phúc Sinh được nhận khoản tiền này bởi doanh nghiệp đã thực hiện và có những cam kết, tiêu chuẩn cao về thực hành ESG cũng như tài chính minh bạch.

Chính những mục tiêu, chương trình phát triển bền vững mà Phúc Sinh thực hiện trong suốt 14 năm qua đã giúp doanh nghiệp được các quỹ chú ý tới, thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Kế hoạch sử dụng số tiền này như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Minh Thông: Chúng tôi sẽ sử dụng số tiền đầu tư này vào việc thay đổi các máy móc đã cũ để nâng cao nâng suất hoạt động, tăng tỷ lệ chế biến sâu. Số tiền này cũng được dùng để xây thêm hai nhà máy chế biến, nâng tổng số nhà máy của Phúc Sinh lên tám nhà máy.

Cùng với đó, chúng tôi cũng lên kế hoạch đào tạo nhân sự, phát triển các hệ thống nội bộ để đạt được tiêu chuẩn cao hơn.

Ông có nhắc đến các yếu tố phát triển bền vững đã giúp Phúc Sinh thu hút sự quan tâm của các quỹ. Ông có thể cho biết rõ hơn phát triển bền vững ở đây được thể hiện như thế nào và vì sao Phúc Sinh đã lựa chọn con đường này từ nhiều năm trước?

Ông Phan Minh Thông: Không phải đến tận bây giờ, Phúc Sinh mới nhận được lời đề nghị từ quỹ đầu tư nhờ định hướng phát triển bền vững. Trước đó, có rất nhiều lời mời được gửi tới chúng tôi nhưng chưa thể đi đến hồi kết do thiếu sự phù hợp về tiêu chí cũng như văn hóa.

Nguyên nhân nữa là nhiều quỹ định giá Phúc Sinh quá thấp và họ muốn làm nhanh nên chúng tôi không đồng ý.

Về phát triển bền vững, Phúc Sinh lựa chọn định hướng này trước hết xuất phát từ yêu cầu của châu Âu – thị trường lớn nhất của chúng tôi. Đây là thị trường dẫn đầu thế giới về yêu cầu các chứng chỉ, chứng nhận về các tiêu chuẩn phát triển bền vững cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khi bán cho khách Âu, Phúc Sinh buộc phải thay đổi, buộc phải xây dựng các hệ thống theo các tiêu chuẩn đó thì mới bán được hàng.

Những chứng nhận này cũng đã giúp Phúc Sinh bán hàng với giá cao hơn. Đơn cử, nếu như mức giá thị trường khoảng 10 triệu đồng thì Phúc Sinh có thể bán 12 triệu đồng, sau đó dùng 2 triệu đồng dư quay lại đầu tư cho phát triển bền vững.

Tại sao trong giai đoạn đầu, Phúc Sinh lại chọn một thị trường khó tính hàng đầu là EU thay vì các thị trường gần hơn và có phần dễ tính hơn như Trung Quốc hay ASEAN?

Ông Phan Minh Thông: Phúc Sinh được hình thành năm 2001 khi Việt Nam mới phát triển sau khi mở cửa. Lúc đó, ở quận 4 TP.HCM thậm chí vẫn còn ruộng rau muống trong khi đất giờ lên tới 400 – 500 triệu đồng/m2.

Vào thời điểm ấy, các doanh nghiệp Việt hoặc là bán sang Trung Quốc, hoặc là phải bán thông qua các văn phòng đại diện nếu muốn đi xa hơn. Thế nhưng, khi làm vậy thì rất khó có lời, thậm chí không có một đồng lời nào cả.

Lúc đó, tôi cùng ban điều hành nghĩ rằng, nếu mình không vượt khỏi cái thông thường ấy thì rất khó làm ăn. Điều này thôi thúc Phúc Sinh nhắm tới châu Âu – một thị trường còn rất xa lạ cách đây 23 năm. Lợi thế lúc ấy là chúng tôi hiểu và nói được tiếng Anh khá tốt, giúp việc tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.

Châu Âu từ xưa đã là thị trường khó tính và yêu cầu nhiều điều kiện khắt khe. Nhưng ở đây lại có rất nhiều công ty sẵn sàng trả giá cao đối với những nhà máy đạt được chất lượng, có chứng nhận, có thực hành phát triển bền vững.

Thật sự mà nói đây là ván cược lớn với Phúc Sinh vào thời điểm bắt đầu, như một canh bạc. Chúng tôi phải tính toán cẩn thận vì chỉ cần 2 – 3 năm không đạt được chứng chỉ, chứng nhận là coi như phá sản bởi làm phát triển bền vững, đặc biệt nông nghiệp bền vững, rất cần tiền.

Đơn cử, có chuyên gia Phúc Sinh phải trả tới 800 triệu đồng mỗi năm để xây dựng, hướng dẫn thực hiện các quy trình liên quan đến phát triển bền vững, hay phải đầu tư cho nông dân giai đoạn đầu, để họ thay đổi cách trồng, cách thu hoạch.

Vậy có phải Phúc Sinh làm được là bởi ông có sự hậu thuẫn tài chính lớn từ gia đình lúc đó?

Ông Phan Minh Thông: Chắc chắn là không. Tôi là người Hải Phòng, vào Sài Gòn nhập cư để kiếm sống sau khi tốt nghiệp đôi ba năm. Bố mẹ tôi là công nhân và có tới bảy người con, tôi là con út.

Thẳng thắn mà nói, dân nhập cư mà lại còn khởi nghiệp thì chắc chắn không ai có tiền cả.

Vậy điều gì khiến ông quyết định khởi nghiệp và vì sao lại là nông nghiệp?

Ông Phan Minh Thông: Mọi kết quả bây giờ đều bắt đầu từ nhu cầu đơn giản: kiếm sống. Kiếm sống để nuôi bản thân và giúp đỡ tài chính cho bố mẹ. Lúc bắt đầu tôi chỉ nghĩ như vậy.

Còn cơ duyên với nông nghiệp, với buôn bán có lẽ là nhờ công việc mà tôi được giao phụ trách trước khi quyết định khởi nghiệp. Lúc đó, tôi được phân về mảng xuất nhập khẩu nông nghiệp trong một công ty sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội với chút lợi thế hơn trong thư tín thương mại, trao đổi dịch vụ, đàm phán với các đối tác.

Khi càng làm, tôi càng thấy nhiều cơ hội mở ra trước mắt nên quyết định tự mình gây dựng. Cơ hội ấy đến từ nguồn hàng hóa nông nghiệp vô tận chưa được nhiều người khai thác khi lúc đó, Việt Nam chỉ mới mở cửa và đổi mới.

Cơ hội ấy cũng đến từ những kinh nghiệm làm việc mà tôi đã tích lũy trước đó.

Có thời điểm nào ông phải đối mặt với việc phá sản, cảm thấy tuyệt vọng và muốn từ bỏ?

Ông Phan Minh Thông: Từ bỏ thì chưa bao giờ nhưng phá sản và tuyệt vọng thì rất nhiều.

Tôi còn nhớ hai năm đầu tiên bắt đầu công ty riêng, tôi đổ 5 tỷ đồng – tương đương với 4 – 5 miếng đất ở Phú Mỹ Hưng lúc đó, nhưng nhanh chóng thất bại.

Nhiều thời điểm mệt mỏi, bước chân về nhà mà chỉ muốn nằm mãi trên sàn ngủ không bao giờ dậy nữa khi một bên là ngân hàng gọi muốn cắt khoản vay, một bên thì khách hàng giục giã. Khó khăn cứ rủ nhau kéo tới cùng lúc.

Nhưng tuổi trẻ mà, có sức khỏe và ý chí, ngủ dậy lại chiến đấu tiếp.

Thế nhưng đời chẳng như mơ. Chỉ một hai năm sau, khủng hoảng lại kéo tới. Năm 2005, lúc nào tôi cũng nhìn trần nhà và tự hỏi rằng không biết đã đến lúc phải bán cái nhà này đi hay chưa.

Ông đã làm để vượt qua các thời điểm khó khăn đó, làm sao để doanh nghiệp có tiền và tiếp tục vận hành?

Ông Phan Minh Thông: Giờ nghĩ lại thật sự cảm ơn tôi lúc đó đã kiên nhẫn và tin vào ý chí của bản thân.

Khi khó khăn, dòng tiền vay từ ngân hàng không còn nên khách hàng và các đối tác trở thành những chủ nợ lớn nhất của Phúc Sinh.

Lúc đó, tôi chỉ biết dùng hết sự chân thành và cam kết của mình để đàm phán với khách hàng, thậm chí giảm giá, lấy công làm lãi để được trả trước một phần giá trị hợp đồng.

Với các nhà cung cấp, tôi cũng thuyết phục họ cho nợ hoặc được trả trước một phần nguồn nguyên liệu thay vì thanh toán hết.

Rồi tranh thủ những khoảng trống đó để dồn sức lực vào làm việc, sản xuất để tạo ra dòng tiền của doanh nghiệp.

Lúc đó, chỉ có tự thân vận động, dựa vào mình và cố gắng hết sức bởi đằng sau lưng là bố mẹ - những người cần mình hỗ trợ về tài chính, phía trước là khách hàng, đối tác, nhân viên.

Làm khởi nghiệp đói tiền lắm, có nhiều khó khăn không thể nói ra bởi nếu vậy, nhiều bên sẽ từ chối cho vay tiền. Bởi vậy, chỉ biết nuốt vào bên trong, đối mặt với những thách thức để dần dần trưởng thành. Đó là một phần của cuộc sống, một phần mà bất cứ ai khởi nghiệp cũng phải xử lý.

Kiên nhẫn rồi thành quả cũng đến. Phúc Sinh cũng dần lớn lên, rồi xây được nhà máy thứ nhất, thứ hai và giờ đã có đến sáu nhà máy.

Phúc Sinh hướng tới xây dựng thêm hai nhà máy từ nguồn vốn mới. Ảnh: Phúc Sinh

Tự học là chìa khóa thành công

Khi quy mô của Phúc Sinh ngày càng mở rộng như vậy, các vấn đề quản trị nào sẽ phát sinh và làm sao để giải quyết?

Ông Phan Minh Thông: Nhìn chung khi doanh nghiệp càng lớn lên, nguy cơ bị gãy càng cao.

Có rất nhiều thời điểm tôi chới với trong quản lý doanh nghiệp bởi lượng tiền, lượng nhân sự lớn hơn mức tưởng tượng. Năm 2007 – 2008 là thời điểm mà tôi phải vật lộn kinh khủng khiếp khi thành lập nhà máy cà phê đầu tiên.

Vận hành một công ty thương mại và một doanh nghiệp sản xuất cực kỳ khác biệt. Với làm thương mại, dịch vụ, người quản lý có thể theo dõi, điều hành từ xa nhưng công ty sản xuất thì không thể, đòi hỏi sự hiện diện của con người nhiều hơn.

Chưa hết, việc sản xuất còn cần hàng loạt tiêu chuẩn, hệ thống với rất nhiều nhân sự ở các phòng ban khác nhau, đòi hỏi người quản lý phải định vị được vị trí của các nhân sự khác nhau, hiểu được công việc để tuyển dụng đúng.

Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng Phúc Sinh phải mất tới vài năm mới có thể hình thành được.

Nhưng không phải làm được một lần thì những lần sau sẽ thành công ngay bước đầu tiên. Khởi nghiệp là liên tục vấp ngã. Sau khi gặp một số thất bại trong nhà máy đầu tiên, năm 2010 Phúc Sinh siết lại được quy trình quản lý thì đến năm 2012 lại xuất hiện những vấn đề mới.

Đến 2015, những vấn đề này được giải quyết thì tới 2017, vòng lặp lại tái diễn.

Các khó khăn cứ liên tục xuất hiện nhưng mà quy luật cuộc sống mà, mình phải chấp nhận và tìm được cách vượt qua trước khi bị nhấn chìm.

Nhưng chẳng ai có thể dạy được cách xử lý mà mỗi một doanh nghiệp lại có những đặc điểm khác nhau. Giải pháp chỉ có thể là tự học, càng làm chủ doanh nghiệp thì lại càng phải tự học.

Tôi nhớ thời điểm mới mở rộng đã tuyển người thêm vào để có thêm sự giúp đỡ trong việc mở và vận hành nhà máy thông qua bán cổ phần nhà máy sản xuất, nhưng thật sự mà nói thì mình vẫn phải đảm nhận vai trò chính.

Tôi học qua sách vở rất nhiều. Nhưng vài lần thất bại mới là những bài học quý giá nhất, dạy cho mình các kinh nghiệm quản lý. Sau mỗi lần thất bại, tôi phải ngồi lại xem sai ở đâu, làm như thế nào mới đúng.

Việc đọc sách không chỉ giúp trang bị thông tin chuyên môn mà còn giúp tôi hiểu thêm về văn hóa các nước, từ đó, giúp tôi có cái nhìn đúng hơn về mỗi khách hàng, giúp giao tiếp trong quá trình làm việc, đàm phán hiệu quả hơn.

Chuyển đổi số, tự động hóa quy trình là điều không thể thiếu khi doanh nghiệp ngày càng có quy mô lớn hơn. Ở Phúc Sinh, việc áp dụng quy trình này giúp ích gì và đâu là rào cản khi áp dụng?

Ông Phan Minh Thông: Rất nhiều rào cản, vô vàn khó khăn.

Vấn đề lớn nhất trong các chương trình, hệ thống tự động hóa là con người. Không ít nhân sự cảm thấy khó chịu khi phải thay đổi cách làm việc. Khi họ không muốn làm thì không thể làm được, thậm chí kể cả khi sử dụng các mệnh lệnh hành chính.

Giải pháp duy nhất là thuyết phục, chỉ ra cho người lao động thấy được định hướng, xu hướng chung và quan điểm của họ phải chấp nhận cái mới đó, nếu không thì không thể phát triển được.

Tự động hóa quy trình đã giúp Phúc Sinh biến một phòng kế toán 20 người xuống chỉ còn 5 người, mà cả 5 người này không phải làm quá giờ và vẫn được nghỉ phép đầy đủ. Điều này không chỉ tiết kiệm nguồn lực con người, mà còn là nguồn lực về chi phí cho cả công ty.

Phúc Sinh xây dựng và triển khai hệ thống phân tích dữ liệu đám mây (SAC) để khi bất cứ ai nhập liệu, dữ liệu đó sẽ chạy thẳng về bộ phận kế toán. Do đó, bộ phận kế toán không phải nhập lại các dữ liệu của các bộ phận khác nữa, nhiệm vụ còn lại và chính là kiểm tra và định khoản.

Phát triển vùng trồng theo tiêu chuẩn châu Âu giúp Phúc Sinh có những sản phẩm chất lượng cao. Ảnh: Phúc Sinh

Niềm tin với nông sản Việt

Vì sao Phúc Sinh không tiếp tục với những thành công của ngành hồ tiêu mà lại tiếp tục đánh cược với sản phẩm mới là cà phê?

Ông Phan Minh Thông: Nhu cầu của khách hàng đã thôi thúc chúng tôi.

Khi làm hồ tiêu, có nhiều doanh nghiệp hồ tiêu đến Phúc Sinh hỏi mua cả cà phê. Với nhạy bén của người làm kinh doanh, khi nhiều người hỏi mua tức là sản phẩm có nhu cầu thật, tôi sẽ cân nhắc và xem có bán được hay không.

Lúc đó lại quyết định thử và liều một lần nữa.

Và rồi những khó khăn lại tiếp tục xuất hiện y như lúc tôi mới khởi nghiệp. Tuy nhiên, những năm kinh nghiệm trong ngành hồ tiêu đã giúp tôi vững vàng và giải quyết mọi chuyện nhanh hơn.

Mọi thứ từ đó cứ diễn ra, dần hình thành các mục tiêu dài hạn trong phát triển cà phê của Phúc Sinh, như xây nhà máy, đầu tư hiện đại hóa rồi thiết lập các vùng trồng.

Mục tiêu của Phúc Sinh với sản phẩm cà phê trong thời gian tới?

Ông Phan Minh Thông: Phát triển bền vững là mục tiêu không thể thiếu, bài học từ ngành hồ tiêu đã cho thấy ý nghĩa thiết thực của những hành động bền vững, từ nâng cao giá trị đơn hàng tới giúp doanh nghiệp có danh tiếng hơn và đóng góp ngược trở lại nhiều hơn cho môi trường, xã hội.

Bên cạnh đó, Phúc Sinh muốn phát triển hơn tại thị trường nội địa, mở các cửa hàng K Coffee tại Hà Nội sau khi có thành công nhất định tại miền Nam, hướng tới phục vụ người tiêu dùng Việt các sản phẩm tiêu chuẩn cao xuất khẩu.

Nhìn rộng hơn, theo ông, phát triển bền vững sẽ mang lại giá trị gì cho ngành nông nghiệp của Việt Nam?

Ông Phan Minh Thông: Phát triển bền vững là xu hướng đang hiện hữu của cả thế giới và do vậy, bất cứ doanh nghiệp nào cũng không thể nằm ngoài xu hướng này.

Không chỉ giúp các sản phẩm bán được giá cao hơn, phát triển bền vững, đặc biệt là nông nghiệp bền vững, còn giúp bảo vệ đất đai, bảo vệ sức khỏe con người từ những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, dẫn đầu là châu Âu, đã đặt ra những quy định liên quan. Nhiều thị trường khác cũng đã bắt đầu dự thảo luật liên quan đến yêu cầu phát triển bền vững như Mỹ hay đưa ra các khuyến khích đối với sản phẩm xanh.

Nếu không làm phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ rất khó bán được hàng và thậm chí, không thể bán được hàng sau này. Do vậy, trước mắt, doanh nghiệp ít nhất nên thực hành ở mức tuân thủ, sau đó dần dần tiến lên các mức cao hơn những quy định.

Việt Nam là nước mạnh về nông nghiệp nên nông nghiệp vẫn sẽ là trụ đỡ quan trọng cần được bảo vệ trong tương lai.

Ngày xưa lúc tôi nói như vậy, nhiều người bảo tôi sến, hô hào khẩu hiệu. Thế nhưng, thật sự làm thì mới thấy không có gì là sến cả, nông nghiệp là tiền tươi thóc thật, là các đơn hàng mang lại giá trị hàng tỷ USD, là các sản phẩm, thành quả hiện diện hàng ngày mà Phúc Sinh là một trong những minh chứng rõ ràng.

Kiều Mai

Tin khác