Văn hóa số: Bí mật sức mạnh cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên AI
Trong bối cảnh công nghệ số và sự phát triển của AI tác động rất lớn đến cách doanh nghiệp vận hành và người trong môi trường doanh nghiệp, chúng ta cần xây dựng văn hóa số hay điều chỉnh văn hóa của mình như thế nào để tạo ra một đội ngũ mạnh mẽ, năng động với hiệu suất làm việc không ngừng tăng cao?
Văn hóa doanh nghiệp là kết quả của cách thức hoạt động và vận hành của một công ty. Nó bao gồm các kinh nghiệm tập thể của nhân viên; những gì họ tin tưởng và những gì họ coi trọng. Kỹ năng lãnh đạo, mục tiêu và cách thức công việc được thực hiện cũng phản ánh tầm nhìn và văn hóa doanh nghiệp.
Dựa trên khảo sát của Viện nghiên cứu Capgemini đối với 1.700 người, bao gồm cả CEO, manager và nhân viên của 340 tổ chức trên 8 quốc gia, 5 lĩnh vực, văn hóa số được định nghĩa là một tập hợp gồm 7 thuộc tính chính: lấy khách hàng làm trung tâm, ra quyết định dựa trên dữ liệu, đổi mới, hợp tác, văn hóa mở, tư duy kỹ thuật số là trên hết, nhanh nhạy và linh hoạt. Quan trọng nhất, con người là chủ thể tạo ra văn hóa doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải thực sự quan tâm đến người lao động. Bởi nhân viên có hạnh phúc với công việc, có chung giá trị và mục tiêu với công ty thì tổ chức mới phát triển tốt được.
Tại sao doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa số? Công nghệ thay đổi liên tục và thay đổi cách doanh nghiệp vận hành, cách đội ngũ phối hợp làm việc, cách khách hàng tương tác với thương hiệu. Nếu doanh nghiệp bàng quan và làm việc theo cách cũ thì sẽ rất dễ gặp hội chứng “ếch luộc” – môi trường thay đổi từ từ, đến khi nhận ra thì đã bị đối thủ bỏ xa, sức sống của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.
Theo chuyên gia Nguyễn Đình Thành – Chuyên gia Truyền thông văn hóa, Co-founder Elite PR School, việc doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa số xuất phát từ 4 xu hướng định hình thế giới trong công việc: xóa nhòa ranh giới không gian, thời gian; xóa nhòa ranh giới online – offline; làm việc kiểu platform trở nên phổ biến; khả năng làm việc người/máy, AI-người thật.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần lưu ý 5 phương diện chiến lược bị tác động bởi quá trình chuyển đổi số: khách hàng, cạnh tranh, dữ liệu, giá trị, đổi mới, sáng tạo. Thị trường thay đổi, khách hàng thay đổi, nhân viên thay đổi (mối quan hệ nhân viên với nhân viên, nhân viên với quản lý), đối thủ cũng thay đổi, doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa số để thích ứng nhanh chóng với tất cả sự thay đổi đó.
Xây dựng văn hóa số là quan trọng nhưng thực tế nhiều nhân viên sẽ phản đối vì họ vẫn coi những hành vi cũ là quan trọng đối với sự thành công của họ và coi những chuẩn mực mới là rủi ro. Kết quả nghiên cứu của Capgemini cũng chỉ ra những trở ngại chính trong việc xây dựng văn hóa số của doanh nghiệp như lãnh đạo bỏ qua, đánh giá thấp hoặc hiểu sai tầm quan trọng của văn hóa trong lập kế hoạch chuyển đổi kỹ thuật số; văn hóa và cách làm hiện tại đã ăn sâu đến mức rất khó thực hiện sự thay đổi; lãnh đạo thiếu hiểu biết về kỹ thuật số có thể tạo ra sự mất kết nối cản trở phát triển văn hóa số; nhân viên không được trao quyền để đảm nhận những thách thức mới, không được bù đắp bằng những kiến thức mới về chuyên môn và không được khuyến khích để đột phá và xây dựng những mô hình mới.
Doanh nghiệp nên thay đổi hoặc điều chỉnh văn hóa như thế nào trong thời đại số? Doanh nghiệp cần tập trung vào 7 thuộc tính của văn hóa số, đặc biệt là: lấy khách hàng làm trung tâm; làm tất cả mọi thứ, ra mọi quyết định dựa trên dữ liệu thay vì “tâm linh”; cách làm linh hoạt, mang lại lợi ích cho nhân viên, khách hàng. Doanh nghiệp cũng cần coi người lao động là chủ thể tạo nên văn hóa, đồng thời chú trọng truyền thông nội bộ hiệu quả để nhân viên hiểu rõ mô hình doanh nghiệp, văn hóa, động lực, đổi mới, R&D, nâng cao thái độ, kiến thức, kỹ năng cứng/mềm.
Lãnh đạo phải luôn truyền lửa, thể hiện niềm tin vào mục tiêu chung và năng lực của từng cá nhân, điều này sẽ khích lệ nhân viên phấn đấu và gắn bó hơn với công ty. Lãnh đạo cũng nên hỗ trợ sự phát triển cá nhân của nhân viên, từ đó nâng cao hiệu quả công việc và tạo ra một môi trường làm việc năng động và sáng tạo.
Tựu chung lại, dù trong thời đại số hay thời đại nào, để xây dựng văn hóa bền vững, doanh nghiệp cần xoay quanh con người. Phải mang lại giá trị cho người lao động, phải làm cho họ hạnh phúc với công việc thì doanh nghiệp mới có thể đi xa.
MISA