1. Kinh doanh

Ươm mầm khởi nghiệp, thúc đẩy đam mê

Chị Trương Thị Thu (SN 1972, xã Xuân Ninh, Quảng Ninh) cùng chồng là anh Nguyễn Đặng Sơn bắt tay sản xuất tinh dầu tràm, sả từ năm 2016. Ban đầu, anh chị làm quy mô nhỏ lẻ bởi anh vốn trước đây làm việc ở lâm trường, rồi được bạn bè giới thiệu ngành nghề mới mẻ này. Còn chị thì quanh năm chỉ quanh quẩn với công việc đồng áng, chăm lo gia đình, chưa bao giờ nghĩ đến việc bắt đầu một công việc mới.

Những lô tinh dầu sả đầu tiên cũng chật vật đầu ra, có khi sản xuất mà không ai mua, nhưng rồi dần dần, nhờ chất lượng tinh dầu bảo đảm, anh chị tự tin mạnh dạn đầu tư sản xuất với số lượng lớn. Cũng từ đây, chị bắt đầu manh nha ý tưởng khởi nghiệp từ loại tinh dầu truyền thống của quê hương.

Năm 2019, anh chị quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Tinh dầu tràm, sả Thu Sơn, chính thức khởi nghiệp khi đã ngấp nghé tuổi 50. Chị cười bảo, đó là kết quả sau nhiều đêm trăn trở, bởi chị tuổi đã cao, công nghệ thông tin thì hầu như không biết gì, lại chưa có kinh nghiệm, kỹ năng kinh doanh. Nhưng được chồng động viên, chị thêm vững tin để theo đuổi lựa chọn của mình. Xây dựng được HTX rồi, anh chị lại lo lắng chuẩn bị vùng nguyên liệu và hoàn thiện hệ thống chưng cất tinh dầu ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh).

Ban đầu, hiểu được vai trò của nguyên liệu sạch, anh chị trồng 0,3ha cây sả và nỗ lực duy trì chất lượng nguyên liệu đầu vào với sự giám sát của anh, vốn có kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở lâm trường. Vậy mà trời không thương, dịch Covid-19 ập đến làm ngưng trệ bao dự định.

Chị Trương Thị Thu luôn nỗ lực đưa sản phẩm tinh dầu quê hương đến với các thị trường tiềm năng.

Chị chia sẻ, tự tay anh đã phải chặt bỏ nhiều lứa sả tươi do quá ngày thu hoạch bởi không thuê được nhân công khai thác. Loại sả này có đặc điểm là lượng tinh dầu bảo đảm chất lượng nếu thu hoạch đúng thời điểm, chỉ cần sớm hay muộn quá thì thành phẩm sẽ không đạt yêu cầu. Trong khi đó, nhu cầu về tinh dầu sả trong mùa dịch lại tăng cao. Đó là thời điểm chị băn khoăn rất nhiều để quyết định duy trì sản xuất. Nhưng rồi niềm đam mê với nghề và mong muốn tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương lại thôi thúc chị bước tiếp. Ngoài ra, chị cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, đoàn thể, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Hội Nông dân các cấp, từ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho đến học hỏi kinh nghiệm, giao lưu…

Gặp lại anh chị ở cơ sở sản xuất dưới chân núi Thần Đinh, chị rạng rỡ, vui vẻ khoe sản phẩm tinh dầu tràm, sả Thu Sơn vừa được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2024. Chị cũng vừa sửa sang lại nhà xưởng để ứng phó với những trận bão lũ lớn. Giờ đây, sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường với sự yêu thích của khách hàng và được phân phối rộng khắp cả nước. Vùng nguyên liệu mở rộng với 2ha cây sả và 2ha cây tràm. Niềm vui của chị là tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công (đa phần là phụ nữ địa phương) trong các khâu của sản xuất tinh dầu tràm, sả với thu nhập ổn định. Mỗi năm, HTX duy trì doanh thu từ 350-400 triệu đồng với hơn 150 lít tinh dầu tràm, sả. Năm 2023, dự án “Tinh dầu tràm, sả Thu Sơn” đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Hội LHPN tỉnh tổ chức.

HTX đang thúc đẩy lộ trình xây dựng sản phẩm OCOP và đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu sản phẩm. Từ một người “mù” về công nghệ thông tin, nay chị Thu đã thành thạo sử dụng mạng xã hội để giới thiệu về sản phẩm và tự tin giao lưu, chia sẻ với chị em kinh nghiệm khởi nghiệp.

Còn với chị Nguyễn Thị Mai Thủy, HTX Dược liệu Thủy Mai (xã Sơn Hóa, Tuyên Hóa), niềm vui như nhân đôi khi cuối năm 2023, HTX đã được Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup cho vay 1 tỷ đồng không lãi suất với cam kết tạo việc làm cho 25 hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại địa phương. Chị tâm sự, kết quả này là “trái ngọt” cho hành trình miệt mài hơn 7 năm khởi nghiệp của chị, từ một cô giáo tiếng Anh không có kiến thức về kinh doanh hay thảo dược cho đến một HTX dược liệu với 7ha nguyên liệu, 100m2 nhà xưởng, 2 phòng trưng bày sản phẩm, 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và nhiều sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 1 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên…

Năm 2023, dự án “Nâng cao sinh kế và năng lực cho cộng đồng miền núi huyện Tuyên Hóa thông qua phát triển chuỗi giá trị dược liệu” của HTX đã đoạt giải ba tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Năm 2024, dự án cũng đoạt giải ba tại cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh lần thứ III.

HTX Dược liệu Thủy Mai hướng tới mục tiêu xây dựng 2 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, chị Thủy cũng tích cực livestream-bán hàng trực tuyến và đưa sản phẩm của HTX lên sàn thương mại điện tử Shopee, tới đây sẽ là Lazada. Đây cũng là thị trường tiềm năng mà HTX đang hướng đến. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thêm vùng nguyên liệu ở các xã lân cận với diện tích 13ha trồng cây dược liệu; đồng thời, đa dạng thêm sản phẩm viên nén dược liệu nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và thêm 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của các cấp hội; được cán bộ, hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh hưởng ứng tích cực và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, các ngành, sự ủng hộ của cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” được triển khai trên địa bàn tỉnh trong hơn 5 năm qua đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của phụ nữ.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, các cấp hội đã tập trung khai thác các nguồn lực tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, đào tạo kiến thức về khởi sự kinh doanh; khuyến khích, tư vấn hội viên, phụ nữ xây dựng ý tưởng thành lập và phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ cho chị em có ý tưởng kinh doanh được tiếp cận với nguồn vốn, khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp thông qua các hội thi “Phụ nữ tự tin làm kinh tế”, “Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh”, “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, phát huy tài nguyên bản địa”; động viên, khích lệ phụ nữ tham gia cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng năm của tỉnh, trong đó có nhiều đề án, ý tưởng của hội viên, phụ nữ đoạt các giải cao...

Hội LHPN tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các diễn đàn, “Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp”, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu… để quảng bá, giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể của phụ nữ trong và ngoài tỉnh; tư vấn, hỗ trợ đăng ký, rà soát, xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm; tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, đề án để hỗ trợ thành lập các mô hình tổ hợp tác, HTX, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ làm chủ.

Thời gian tới, các cấp hội trong tỉnh tiếp tục phát động, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, tự tin làm kinh tế; đồng thời tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, đề án để đào tạo, tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm; kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận các dịch vụ, nguồn lực; tham mưu đề xuất các chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, việc triển khai đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho chị em trong khởi nghiệp sáng tạo.

Mai Nhân

Tin khác