Ươm mầm doanh nhân từ giảng đường đại học
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, Trường ĐH Văn Lang đã xây dựng một hệ sinh thái giáo dục toàn diện để hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi giúp sinh viên phát triển ý tưởng và hiện thực hóa dự án khởi nghiệp.
Một trong những hoạt động nổi bật là sự ra đời của Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp vào năm 2022, với mục tiêu hỗ trợ trên 100 ý tưởng khởi nghiệp mỗi năm. Trung tâm không chỉ cung cấp không gian làm việc mà còn tổ chức các hội thảo, chương trình đào tạo kỹ năng và kết nối sinh viên với nhà đầu tư.
Bên cạnh việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, Trường ĐH Văn Lang còn tích cực xây dựng cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo. Trường đã hợp tác với nhiều đối tác lớn như: Google, Kambria & OhmniLabs, ELSA Speak... để cung cấp nguồn lực tốt nhất cho sinh viên.
Sự hợp tác giữa Trường ĐH Văn Lang với Co Vietnam - tổ chức đồng sáng lập bởi UNDP và Quỹ Citi - thông qua chương trình "Springboard Amplifier Vietnam 2024" là ví dụ điển hình. Chương trình này không chỉ nâng cao năng lực khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên Văn Lang mà còn phát triển kỹ năng quản lý và lãnh đạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cuộc thi khởi nghiệp "Ra khơi", do Trường ĐH Văn Lang kết hợp cùng Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao phát động từ năm 2020, đã trở thành sự kiện thường niên được nhiều nhà khởi nghiệp trẻ quan tâm.
Trong năm 2023, Trường ĐH Văn Lang đã ghi nhận hơn 200 dự án tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Trong đó, nhiều dự án được hỗ trợ tài chính từ những quỹ đầu tư. Trường không chỉ tích cực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp thuộc những lĩnh vực như: Y tế, du lịch - dịch vụ, môi trường, công nghệ, sinh - hóa học mà còn giúp nhiều ý tưởng bước vào thực tiễn, thương mại hóa thành công nhiều sản phẩm, góp phần thành lập các doanh nghiệp mới.
Các quỹ đầu tư, như Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp Microsoft, đã đầu tư 150.000 USD vào những dự án tiềm năng của sinh viên. Quỹ Dariu Foundation cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển các ý tưởng khởi nghiệp từ giai đoạn tiền ươm tạo. Trong khi đó, Zone Startup Vietnam đã trở thành đối tác lớn, cung cấp nguồn lực và cố vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trường ĐH Văn Lang.
Để thực hiện mục tiêu ươm mầm doanh nhân trẻ, Trường ĐH Văn Lang đầu tư vào các chương trình giáo dục đổi mới sáng tạo, tích hợp kiến thức thực tiễn vào giảng dạy. Sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn tham gia các dự án thực tế, phát triển ý tưởng khởi nghiệp ngay từ những năm đầu. Trường tổ chức hội thảo, seminar và giao lưu với nhiều doanh nhân thành đạt, giúp sinh viên mở rộng mạng lưới quan hệ và tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn. Trường còn chú trọng phát triển kỹ năng mềm, như lãnh đạo, đàm phán và quản lý thời gian, giúp sinh viên tự tin khi bước vào thị trường lao động.
TS Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện Trung tâm Đổi mới sáng tạo để tạo điều kiện cho sinh viên tham gia những dự án thực tiễn, trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để hiện thực hóa ý tưởng và khởi nghiệp thành công".
Trường ĐH Văn Lang đã chứng minh được cam kết của mình trong việc tạo ra một môi trường học tập năng động và sáng tạo. Nhà trường tin rằng việc ươm mầm doanh nhân trẻ là nhiệm vụ cấp thiết, không chỉ cho sự phát triển của từng sinh viên mà còn cho cả nền kinh tế quốc gia.
Với nhiều nỗ lực, Trường ĐH Văn Lang khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và nâng cao giá trị cho sinh viên.
Bài và ảnh: TRÀ MY