Uniqlo muốn trở thành nhà bán lẻ quần áo phổ thông lớn nhất thế giới
Các tập đoàn bán lẻ Fast Retailing Co. và Seven & i Holdings Co. của Nhật Bản đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận ở nước ngoài để bù đắp cho tiêu dùng trong nước yếu.
Lợi nhuận hoạt động của Seven & i, công ty vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, có thể gây thất vọng do lòng tin tiêu dùng yếu kém.
Báo cáo lợi nhuận của Seven & i sẽ ít được chú ý hơn so với thương vụ Alimentation Couche-Tard Inc. thâu tóm hệ thống 7-Eleven với giá 38,7 tỷ USD, điều có thể thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của Seven & i, bao gồm cả việc niêm yết cổ phiếu của các công ty con hoặc bán tài sản. Công ty đang cân nhắc việc bán một phần cổ phần của mình tại Seven Bank Ltd.
Lợi nhuận hoạt động quý II/2024 (kết thúc tháng 8/2024) của Seven & i có thể giảm quý thứ hai liên tiếp. Hoạt động của cửa hàng tiện lợi ở nước ngoài tiếp tục là yếu tố thúc đẩy doanh thu, trong khi lợi nhuận hoạt động giảm ở tất cả các phân khúc, trừ các siêu thị.
Trong khi đó, Fast Retailing, chủ sở hữu Uniqlo Fast Retailing, có thể công bố lợi nhuận hoạt động tăng trưởng ổn định, chủ yếu nhờ hoạt động ở nước ngoài.
Các nhà phân tích Catherine Lim và Trini Tan của Bloomberg Intelligence cho rằng các sản phẩm quần áo chống nắng hàng đầu của hãng có thể nắm bắt được nhu cầu mạnh mẽ trong mùa Hè.
Tăng trưởng lợi nhuận hoạt động tài khóa 2024 của Fast Retailing (kết thúc cuối tháng 8/2024) có thể duy trì như năm trước, với mức tăng 25%, nhờ sự đóng góp từ các chuỗi Uniqlo ở nước ngoài.
Kế hoạch mở khoảng 80 cửa hàng mỗi năm tại Trung Quốc đại lục có thể giúp doanh số bán của Uniqlo trong khu vực tăng 13% hàng năm trong giai đoạn 2023-2026, vượt mức tăng trưởng 3% tại thị trường nội địa.
Đáng chú ý, Uniqlo đang cố gắng để vượt qua Inditex, chủ sở hữu Zara, và H&M để trở thành nhà bán lẻ quần áo phổ thông lớn nhất thế giới. Vấn đề đặt ra là liệu những mặt hàng giá rẻ của Uniqlo có thể chinh phục được tầng lớp trung lưu tiết kiệm hơn, có khả năng trở thành chỉ báo cho các công ty nước ngoài hướng đến người tiêu dùng khác.
Uniqlo ra đời vào thời kỳ đỉnh điểm của bong bóng tài sản Nhật Bản, mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1984, chỉ vài năm trước khi nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài. Các nhà phân tích nhận thấy những điểm tương đồng với Trung Quốc và cuộc khủng hoảng bất động sản của họ, vốn đã kích hoạt làn sóng vỡ nợ của các nhà phát triển và làm hạ nhiệt nền kinh tế.
Khi Uniqlo lần đầu tiên ra mắt thị trường Trung Quốc năm 2002, nhiều người lo ngại liệu doanh nghiệp này có thể thành công hay không. Một số nhà đầu tư và nhà phân tích dự đoán thương hiệu Nhật Bản này sẽ gặp khó khăn trong môi trường khắc nghiệt này.
Tuy nhiên, nhà bán lẻ này không chỉ vượt qua được những căng thẳng địa chính trị khiến các đối thủ của họ gặp khó khăn, mà các sản phẩm chức năng của họ cũng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhà phân tích cấp cao Takahiro Kazahaya tại UBS Securities Japan cho biết Fast Retailing đã tận hưởng sự gia tăng thu nhập ở Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát, và họ có thể tính giá cao hơn cho một chiếc quần jean so với ở Nhật Bản.
Theo Giám đốc tài chính Takeshi Okazaki của Fast Retailing, tình hình kinh doanh của Uniqlo tại Trung Quốc "một nửa do yếu tố bên trong, một nửa do yếu tố bên ngoài". Ông thừa nhận tác động của môi trường vĩ mô nhưng cũng nhấn mạnh một số cửa hàng đang hoạt động kém hiệu quả.
Fast Retailing dự kiến công ty sẽ tiếp tục đạt mức lợi nhuận kỷ lục vào năm 2024, nhưng biến đổi khí hậu có thể gây trở ngại cho một công ty vốn nổi tiếng với việc tung ra nhanh chóng các mặt hàng theo mùa như áo khoác lông cừu và quần áo giữ nhiệt.
Ông Okazaki cho biết: “Ở Trung Quốc và Nhật Bản cũng vậy, nhiệt độ có xu hướng biến đổi mạnh trong năm nay, vì vậy câu hỏi cơ bản là làm thế nào để cơ cấu các dòng sản phẩm”.
Lê Minh (Theo Bloomberg)