1. Kinh doanh

Ứng dụng TADA vẫn sống khỏe ở Việt Nam với chiến lược 'lạ' không thu chiết khấu tài xế

Năm 2019, khi thị trường gọi xe Việt Nam đang sôi động với các tên tuổi như Grab và Gojek, TADA - ứng dụng gọi xe đến từ Singapore thuộc sở hữu của MVL Foundation, đã quyết định gia nhập sân chơi với một mô hình đặc biệt.

Được biết đến là ứng dụng gọi xe đầu tiên trên thế giới không thu chiết khấu từ tài xế, TADA tự tin rằng chính sách "phi lợi nhuận" này sẽ giúp hãng phát triển và thu hút được một lượng tài xế đáng kể, nhất khi các đối thủ đều áp dụng mức chiết khấu cao. TADA ra mắt tại TP HCM vào ngày 21/1/2019, chưa đầy một tuần sau khi khai trương tại Campuchia, trở thành thị trường Đông Nam Á thứ ba của MVL.

Với mục tiêu duy trì mô hình blockchain, mọi giao dịch và dữ liệu của tài xế và người dùng đều được lưu trữ trên nền tảng này. Ban đầu, TADA chỉ cung cấp dịch vụ xe 4 bánh, nhưng sau đó đã mở rộng thêm các dịch vụ xe 2 bánh và giao hàng với những chính sách ưu đãi đồng giá hấp dẫn nhằm cạnh tranh tại thị trường mới.

Bên ngoài trụ sở của ứng dụng gọi xe TADA tại TP HCM tháng 10/2024. (Ảnh: Thành Vũ).

Không chỉ dừng lại ở Việt Nam, TADA đã mở rộng ra các thị trường khác trong khu vực như Singapore, Campuchia và đang tiếp tục với Hong Kong vào cuối năm nay. Tại Hong Kong, nơi Uber đang chiếm lĩnh thị trường, TADA kỳ vọng tiếp cận với ít nhất 3.000-4.000 xe taxi qua việc hợp tác với các hãng taxi địa phương. Hiện trang web của TADA được hỗ trợ 6 loại ngôn ngữ gồm: tiếng Việt, Anh, Trung giản thể, Thái, Hàn và tiếng Khmer.

CEO TADA, ông Sean Kim, bày tỏ rằng Hong Kong là một thị trường nhiều thử thách nhưng cũng đầy tiềm năng khi TADA có thể ứng dụng thành công mô hình không chiết khấu giúp tài xế giữ được thu nhập cao hơn, một lợi thế rõ ràng trước các đối thủ thu chiết khấu cao như Uber, theo Straits Times.

Mô hình không thu chiết khấu

"TADA là ứng dụng gọi xe. Chúng tôi cam kết không thu chiết khấu % trọn đời", Fanpage của TADA Việt Nam đăng tải thông điệp vào ngày 8/10.

Kể từ khi ra mắt tại Việt Nam, TADA không chỉ thể hiện thông điệp chạy theo công nghệ blockchain mà đi kèm với hoạt động của hãng là cam kết không thu hoa hồng từ tài xế. Thay vào đó, công ty sử dụng dữ liệu người dùng để phát triển các dịch vụ mới và bán dữ liệu này cho các doanh nghiệp hợp tác, từ đó tạo nguồn thu nhập. Mô hình này không chỉ giúp tài xế giữ lại nhiều thu nhập hơn mà còn giảm thiểu áp lực cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng có chiết khấu cao.

Chia sẻ trên Vietcetera hồi năm 2018, nhà sáng lập Kay Woo chia sẻ rằng ý tưởng phát triển mô hình gọi xe phi lợi nhuận của TADA và hệ sinh thái MVL (Mass Vehicle Ledger) bắt đầu từ năm 2012, sau nhiều lần thất bại trong việc xây dựng ứng dụng công nghệ.

Trong quá trình phát triển, Woo và cộng sự đã nhận ra tiềm năng to lớn từ công nghệ Blockchain, với khả năng lưu trữ dữ liệu “phi tập trung” và mang lại tính minh bạch cao, giúp TADA trở thành một nền tảng gọi xe không thu phí hoa hồng từ đối tác tài xế, khác biệt với mô hình thông thường.

TADA ra mắt đầu tiên tại Singapore, và sau đó mở rộng sang Việt Nam vì thị trường đầy tiềm năng và nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ. Woo nhấn mạnh rằng TADA mang lại lợi ích bền vững cho tài xế bằng cách không ràng buộc các điều khoản độc quyền và không áp dụng mức phí hoa hồng, giúp tài xế giữ toàn bộ tiền cước từ khách hàng, ngoại trừ phí giao dịch thẻ tín dụng. Với khách hàng, Woo kỳ vọng họ sẽ được hưởng mức giá hợp lý và ổn định nhờ mô hình phi lợi nhuận.

Nhà sáng lập TADA, Kay Woo. (Ảnh: TADA).

TADA còn cam kết giữ phí dịch vụ cho các chuyến xe ở mức thấp nhất so với thị trường, với các cuốc xe dưới 7 đô la Singapore (tương đương 120.000 đồng) không thu phí và với cuốc xe cao hơn, mức phí không quá 8,6% - thấp hơn nhiều so với các nền tảng khác.

Với chính sách này, TADA dễ dàng thu hút tài xế mới tham gia và duy trì lực lượng đối tác ổn định. Từ những năm đầu hoạt động, công ty đã thành công huy động vốn với tổng số tiền khoảng 15 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn như Shinhan Bank và Samkee Automotive để mở rộng quy mô và phát triển các dự án xe điện.

Ngoài dịch vụ gọi xe truyền thống, TADA đã thử nghiệm mở rộng sang mảng giao hàng với tên gọi TADA Delivery tại TP HCM từ tháng 5/2020. Với mức giá cạnh tranh đồng giá 15.000 đồng cho các đơn nội thành dưới 3 kg, TADA nhắm tới việc gia tăng tương tác với người dùng, tạo nền tảng cho các dịch vụ khác trong tương lai. Bên cạnh đó, công ty còn xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử theo mô hình dropshipping, nhằm đa dạng hóa các nguồn thu nhập ngoài dịch vụ vận chuyển.

Với sự hậu thuẫn của công nghệ blockchain, TADA có khả năng lưu trữ thông tin giao dịch, phân tích nhu cầu và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các đối tác thương mại điện tử của mình.

"Đó sẽ là một ngành công nghiệp thịnh vượng và bền vững, không bóc lột phí hoa hồng từ đối tác tài xế, cũng không dùng khuyến mãi để thu hút khách hàng. Có như vậy thì tài xế mới chuyên tâm thực hiện trọng trách của họ và khách hàng mới có niềm tin khi sử dụng dịch vụ này. Tôi ý thức được sẽ mất rất lâu để xây dựng một tương lai như vậy, nhưng tôi cũng tin rằng đây là cách phát triển bền vững nhất", ông Kay Woo chia sẻ với Vietcetera.

Bền bỉ giữa chiến trường khốc liệt

Cần phải nhớ rằng trong suốt 5 năm tham gia thị trường, TADA chưa từng được nhắc tên trong các thống kê về thị phần gọi xe công nghệ ở Việt Nam. Trong khi các đối thủ lớn như Gojek đã quyết định rời khỏi Việt Nam vào đầu năm 2023, TADA vẫn kiên trì duy trì hoạt động, cho thấy sự khác biệt trong chiến lược và khả năng thích ứng.

Với mô hình không chiết khấu, công ty không chịu áp lực cạnh tranh giá trị khốc liệt như các nền tảng gọi xe khác, giúp TADA tồn tại và phát triển bền bỉ, bất chấp thách thức từ các "ông lớn" khác. Hãng này cũng đã triển khai dịch vụ xe điện Tuk Tuk tại các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, nơi nhu cầu xe ba bánh truyền thống vẫn còn phổ biến.

Theo nhà sáng lập Kay Woo, TADA tạo ra lợi nhuận từ các mối quan hệ kinh doanh B2B thay vì thu phí hoa hồng từ tài xế như các ứng dụng gọi xe truyền thống. TADA tập trung vào việc hợp tác với các doanh nghiệp khác như hãng sản xuất ô tô, trạm xăng, doanh nghiệp kinh doanh xe cũ, dịch vụ cho thuê xe và cung cấp bảo hiểm. Họ hoạt động như một cầu nối, giúp các đối tác này tiếp cận tài xế và khách hàng trong hệ sinh thái của TADA, đồng thời thu phí đại lý từ các dịch vụ này.

Với mô hình này, TADA có thể giữ chi phí vận hành thấp và mang lại lợi ích cho cả tài xế lẫn khách hàng, tạo ra một nền tảng bền vững mà không cần phải dựa vào thu phí trực tiếp từ các chuyến đi.

Theo Straits Times, TADA dự định tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng tại các thị trường mới, đặc biệt là Hàn Quốc và các nước có nền kinh tế công nghệ phát triển. Mô hình phi lợi nhuận với nền tảng blockchain đã chứng minh tính bền vững và khả năng tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng tài xế. Chính sự kiên định với mô hình kinh doanh không chiết khấu đã giúp TADA đứng vững tại nhiều thị trường, mở ra cơ hội phát triển thêm các dịch vụ khác như ví điện tử và dịch vụ thuê xe tự lái.

Thành Vũ

Tin khác