1. Kinh doanh

Tỷ phú quýt nơi thượng nguồn sông Đồng Nai

Tới mùa thu hoạch, thương lái vào vườn ông Lê Văn Hoàng (ấp 4, xã Núi Tượng, nay là xã Nam Cát Tiên) thu mua quýt. Ảnh: Đ.Phú

Nay phần lớn nông dân trong ấp bỏ quýt trồng cây khác, ông Hoàng vẫn kiên trì với loại cây có múi này và trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Tha hương tìm kế sinh nhai

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất An Thạnh Thủy (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), năm 1978, ông Lê Văn Hoàng về vùng đất ấp 4, xã Núi Tượng làm lò đường thuê cho một hộ dân giàu có ở vùng đất này.

Ông Hoàng bộc bạch, cha mẹ ông ở quê rất nghèo, không có ruộng đất để chia cho các con nên dù đã 30 tuổi, ông Hoàng vẫn còn độc thân và tha hương khắp nơi để tìm kế sinh nhai bằng đủ thứ nghề như: đào đất, làm ruộng, bốc vác thuê…

Khi về làm lò đường thuê ở xã Núi Tượng được hơn một năm thì ông gặp bà Nguyễn Thị Lý (cùng quê) và cả 2 nên duyên vợ chồng mà không có điều kiện tổ chức đám cưới. Sau khi lò đường này giải thể, vợ chồng ông cũng ra ngoài vừa làm thuê, làm mướn, vừa tìm đất khai hoang để tạo lập cuộc sống.

Ấp 4, xã Núi Tượng (nay là Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) trước kia là vùng trồng quýt. Sau trận lụt năm 2000, phần lớn nông dân chuyển sang cây trồng khác, nay trong ấp chỉ còn ông Lê Văn Hoàng với rẫy quýt 6 hécta.

Đất đai ở ấp 4 thời kỳ đó còn hoang hóa nhiều, dù là đất còn bỏ hoang nhưng đã được những người di cư tới trước bao chiếm và đánh dấu phạm vi khai hoang của họ, nên vợ chồng ông Hoàng chỉ có khả năng chen vào những phần rẻo nhiều cỏ tranh, lau sậy để phát dọn, hoặc bỏ ra số tiền nhỏ để xin nhượng lại phần đất người khác đã bao chiếm.

Nhờ siêng năng và chịu khó gom đất, từ những chỏm đất da beo nằm lọt thỏm trong những rẫy đã thành thửa của các hộ dân tới trước, vợ chồng ông Hoàng dần có được một thửa đất lớn vuông vức 6 hécta cách sông Đồng Nai chỉ vài chục mét để trồng mía, hoa màu, lúa và dần ổn định cuộc sống, lo cho 3 con trọ học xa nhà.

Năm 1998, cây quýt được nhiều nông dân xã Núi Tượng đưa về trồng, với giá bán trái quýt lúc ấy 15-20 ngàn đồng/kg. Thấy trồng quýt cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng mía, bắp, mì, điều trên cùng diện tích đất, vợ chồng ông Hoàng chạy theo phong trào bằng việc gom hết số tiền trong nhà đang có và vay mượn ngân hàng 150 triệu đồng để chuyển đổi sang trồng cây quýt.

Khi cây quýt được 2 tuổi, đang xanh tốt sung sức và hứa hẹn cho thu nhập cao thì gặp phải trận lụt năm 2000, cả vùng đất thượng nguồn sông Đồng Nai tại ấp 4, xã Núi Tượng trắng xóa nước. Do đó, 4 hécta quýt 2 năm tuổi của vợ chồng ông Hoàng bị chết sau hơn một tuần ngâm nước sông, làm vợ chồng ông cũng lao đao.

“Số tiền vợ chồng tôi tích cóp trên chục năm, cùng với số tiền vay mượn đầu tư 150 triệu đồng mất sạch. Sau trận lụt, tôi bị ám ảnh về nó tới mức đêm ngủ giật mình, người vã mồ hôi vì đang mang số nợ lớn” - ông Hoàng tâm sự.

Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 4, xã Núi Tượng (nay là xã Nam Cát Tiên) NGUYỄN XUÂN NGUYÊN bày tỏ, ấp có khoảng 200 hộ nông dân thì số nông dân giỏi cấp xã, huyện, tỉnh chiếm trên 100 hộ. Do vùng đất này thích hợp với cây quýt và cây có múi, cây ăn trái khác và quỹ đất sản xuất của nhà nông lớn (trung bình trên 1 hécta/hộ) nên đời sống nhà nông khá ổn định.

Quyết tâm làm lại từ đầu

Số nợ 150 triệu đồng thời điểm năm 2000 quả là khá lớn đối với nhà nông. Do đó, vợ chồng ông Hoàng phải bán 2-3 hécta đất mới trả hết tiền nợ gốc và lãi.

Tiếc những gì vợ chồng cực khổ gây dựng nên từ đôi bàn tay trắng nơi đất khách, ông Hoàng bàn với bà Lý phải xây dựng lại vườn quýt thêm lần nữa. Trước hết, để có tiền lo cuộc sống, ông Hoàng vác cuốc ra rẫy phá bỏ vườn quýt hư để quay lại trồng bắp, mì, mía, đậu… với quyết tâm không bán đất trả nợ. Cũng từ quyết tâm đó, sau 12 năm nhẫn nại “cày sâu, cuốc bẫm” trồng cây ngắn ngày, trồng tràm và nuôi bò, năm 2012, vợ chồng ông Hoàng mới có điều kiện quay lại trồng quýt khi trả dứt món nợ cũ.

“Lúc này, nông dân trong ấp đã chuyển sang trồng bưởi, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, măng cụt…, nhưng chồng tôi vẫn kiên định 6 hécta đất của mình phải là cây quýt mới thỏa chí của ông ấy” - bà Lý bày tỏ.

Nông dân Lê Văn Hoàng (ấp 4, xã Núi Tượng, nay là xã Nam Cát Tiên) sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng quýt cho các nông dân trẻ trong vùng.

Còn ông Hoàng bộc bạch, “sổ đỏ” 6 hécta đất của ông vừa lấy về từ ngân hàng thì một tháng sau ông quay lại ngân hàng để thế chấp “sổ đỏ” đề nghị được vay 300 triệu đồng để đầu tư trồng quýt. Các nông dân trong ấp, xã người thì khen ông kiên định, quyết tâm, nhưng cũng có người lắc đầu mỉa mai rồi ông cũng bại với nó vì đã hết thời trồng quýt.

Mặc người đời khen chê, vợ chồng ông Hoàng lầm lũi cải tạo lại 6 hécta đất trồng quýt. Sau một năm, vườn quýt của ông xanh mơn mởn cả một vùng. Sang năm thứ 3, cây quýt đã cho trái bói và gặp lúc bán được giá lên tới 30 ngàn đồng/kg, vợ chồng ông đã thu đủ vốn đầu tư.

“Bắt đầu từ năm 2014, vườn quýt của vợ chồng tôi cho lãi ít nhất 1 tỷ đồng/năm và tôi trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh từ đó tới nay” - ông Hoàng phấn khởi cho hay.

Phất lên từ quýt, ông Hoàng cùng với các nông dân trong ấp góp tiền cùng xã, ấp làm đường giao thông nông thôn, mua sắm xe ô tô, xây nhà mới để tạo thêm bộ mặt nông thôn mới. Đặc biệt, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng quýt với nông dân trong và ngoài xã, miễn sao họ muốn trồng cây quýt và kiên trì với loại cây này để cùng ông làm giàu sau những lần thất bại.

Ngày 1-11, ấp 4 của xã Núi Tượng nhập về xã Nam Cát Tiên, nông dân trồng quýt Lê Văn Hoàng nơi thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ tiếp tục làm rạng rỡ cho vùng đất Nam Cát Tiên đang trên đà chuyển mình cùng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Với tỷ phú từ cây quýt Lê Văn Hoàng, cứ nhẫn nại, kiên trì thì đất và người Núi Tượng, Nam Cát Tiên sẽ mãi cưu mang, đãi ngộ.

Đoàn Phú

Tin khác