1. Kinh doanh

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục gây chú ý với lương 0 đồng, tài sản tỷ USD

Lương 0 đồng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu bứt phá

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup (VIC), tiếp tục gây chú ý khi báo cáo tài chính năm 2024 của tập đoàn này cho thấy ông không nhận một đồng thù lao nào từ vai trò lãnh đạo.

Đây không phải lần đầu tiên vị tỷ phú này chọn mức lương 0 đồng. Nhiều năm qua, ông Vượng không nhận lương từ Vingroup, dù là người đứng đầu một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam với doanh thu năm 2024 đạt gần 190 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước đó.

Mặc dù không có lương nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng gần đây ghi nhận tài sản tăng bứt phá.

Theo cập nhật mới nhất của Forbes, tính đến ngày 1/4, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) kiêm CEO VinFast (VFS) Phạm Nhật Vượng ghi nhận tài sản tăng vọt lên cao nhất trong 2 năm qua, đạt 7,7 tỷ USD.

Với mức này, ông Vượng xếp thứ 398 trên thế giới và giàu nhất Việt Nam, tăng 441 bậc so với cuối tháng 1.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng giàu bỏ xa Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tới 1/4, ông Trump có khối tài sản đạt 4,9 tỷ USD, xếp thứ 706 trên thế giới, theo Forbes.

Không chỉ ông Vượng, tại Việt Nam, nhiều doanh nhân nổi tiếng khác cũng chọn mức lương 0 đồng nhưng có khối tài sản rất lớn.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt top 400 người giàu nhất thế giới theo Forbes. Ảnh: DK

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (MWG), nhiều năm không nhận lương nhưng sở hữu khối tài sản khoảng 4.900 tỷ đồng.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long từng không nhận thù lao khi doanh nghiệp khó khăn, nhưng khối tài sản của ông Long vẫn tăng và là 1 trong 5 tỷ phú USD tại Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), bà Nguyễn Thị Thanh Phượng (Chứng khoán Bản Việt)... cũng liên tục nhận thù lao 0 đồng. Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang và HĐQT Tập đoàn Masan không nhận thù lao kể từ năm 2013 dù đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng.

Trên thế giới, hiện tượng lương 0 đồng không còn xa lạ với các doanh nhân đình đám. Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX, từng tuyên bố không nhận lương từ Tesla trong nhiều năm. Tuy nhiên, tài sản của ông có lúc vượt mốc 400 tỷ USD, chủ yếu đến từ cổ phiếu Tesla và các công ty khác trong hệ sinh thái.

Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook (nay là Meta), nhiều năm chỉ nhận mức lương tượng trưng 1 USD/năm, nhưng tài sản cá nhân của ông tính tới ngày 1/4 đạt hơn 202 tỷ USD nhờ cổ phần tại Meta tăng giá.

Tương tự, Steve Jobs, khi còn lãnh đạo Apple, cũng chỉ nhận 1 USD/năm, dù giá trị tài sản của ông gắn liền với cổ phiếu Apple và Pixar lên tới hàng tỷ USD trước khi qua đời.

Sự giàu có đến từ tầm nhìn

Sự giàu có của ông Vượng chủ yếu đến từ cổ phần tại Vingroup và các công ty liên quan như VinFast. Ông Vượng trực tiếp nắm giữ hơn 691 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp nắm giữ cổ phiếu VIC thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (hơn 1,26 tỷ cổ phần). Bên cạnh đó là các khoản đầu tư cá nhân ông Vượng vào hệ sinh thái Vingroup.

Trong năm 2023 và 2024, ông Phạm Nhật Vượng đã tài trợ cho công ty con của tập đoàn tổng cộng gần 27,3 nghìn tỷ đồng. Trước đó, ông Vượng từng cam kết tài trợ hàng tỷ USD cho VinFast.

Tài sản của Phạm Nhật Vượng gia tăng trong bối cảnh cổ phiếu Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) tăng mạnh và cổ phiếu Vinpearl sắp lên sàn chứng khoán.

Từ đầu tháng 3 tới nay, cổ phiếu VIC đã tăng khoảng 40%, từ mức 42.000 đồng/cp lên mức 60.000 đồng/cp như hiện tại.

Gần đây, các thành viên trong hệ sinh thái Vingroup dồn dập đón nhận tin hỗ trợ từ các dự án tỷ USD. Hôm 26/3, Vin khởi công khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa (Long An) với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Liên danh Vin-Tech (Vingroup và Techcombank) dự kiến khởi công dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 129km, vốn gần 1 tỷ USD vào 30/4.

Bên cạnh đó là Khu đô thị lấn biển Cần Giờ tại huyện Cần Giờ (TPHCM) quy mô 2.870ha (28,7km2) đang được công ty con của Vingroup triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 8,5 tỷ USD...

Ở lĩnh vực xe điện, VinFast cho biết đã hoàn thành 90% tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện tại Ấn Độ.

Việc không nhận thù lao được xem là sự chia sẻ của ban điều hành, cũng như gửi thông điệp mạnh mẽ đến cổ đông về niềm tin vào tương lai.

Trên thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có những khoản thu nhập rất lớn, vượt trội so với những khoản lương thưởng. Đó là sự gia tăng quy mô, giá trị của doanh nghiệp với giá cổ phiếu tăng mạnh. Ngoài ra là những khoản thưởng bằng cổ phiếu, hay được mua ưu đãi cổ phiếu ESOP. Với vị thế là cổ đông lớn, nhiều lãnh đạo nhận về hàng chục, hàng trăm tỷ đồng tiền cổ tức mỗi năm.

Mạnh Hà

Tin khác