Twitter sau khi có ông chủ mới: Quản lý cấp cao rời đi với hàng chục triệu USD bồi thường, nhân viên cấp thấp lo lắng chờ phán quyết
Elon Musk vừa tiếp quản Twitter sau một vài tháng đầy hỗn loạn, khi ông từng đề nghị mua nó với giá 44 tỷ USD, rồi cố gắng rút lui khỏi thỏa thuận, sau đó bị Twitter kiện và cuối cùng đồng ý việc mua lại. Hiện tại, CEO Tesla dự kiến sẽ tổ chức lại công việc kinh doanh và cắt giảm lực lượng lao động.
Mặc dù số lượng nhân viên dự định cắt giảm của Musk là không rõ ràng, nhưng việc thay đổi các chức danh ở vị trí cao cấp là điều không thể tránh khỏi.
Washington Post dẫn nguồn tin giấu tên cho biết CEO Parag Agrawal, COO Ned Segal và người phụ trách bộ phận chính sách pháp chế Vijaya Gadde đều đã bị sa thải. Sean Edgett, một cố vấn của công ty, cũng nằm trong danh sách phải ra đi. Và tất cả họ đều đã nhanh chóng rời khỏi trụ sở Twitter sau khi Elon Musk chính thức tiếp quản nó. Có nguồn tin nói rằng họ đã bị "đuổi" khỏi trụ sở công ty ngay sau khi quyết định được đưa ra.
Tuy nhiên, việc bị Musk sa thải có thể sẽ mang lại cho các giám đốc điều hành này một khoản tiền thanh toán và bồi thường lớn nhất mà họ từng thấy. Thông qua các điều khoản "thay đổi quyền kiểm soát" trong hợp đồng lao động cho lãnh đạo cao nhất, họ sẽ nhận được một số tiền thôi việc nhất định và các khoản thưởng cổ phần, trong trường hợp ông Musk sa thải họ. Các điều khoản này đã được ghi rõ và công bố trong hồ sơ quy định có liên quan.
CEO Agrawal được cho là sẽ nhận lấy khoản thanh toán lớn nhất là 38,7 triệu USD, trong đó phần lớn đến từ số cổ phiếu của ông trong công ty.
Ned Segal, giám đốc tài chính của Twitter, sẽ nhận được khoản thanh toán 25,4 triệu USD vì bị sa thải.
Vijaya Gadde, giám đốc pháp chế, sẽ rời đi với 12,5 triệu USD.
Sarah Personette, giám đốc khách hàng, sẽ nhận được 11,2 triệu USD.
Trong khi đó, các nhân viên còn lại của Twitter vẫn đang chờ đợi số phận của họ sẽ được quyết định ra sao dưới thời Elon Musk.
Theo một báo cáo từ Punks & Pinstripes, trong 90 ngày qua, khoảng 530 người đã rời khỏi Twitter. Con số này nhiều hơn khoảng 60% so với số người đã rời đi khỏi công ty trong quý trước. Và gần 50 người khác đã rời công ty chỉ trong tháng này khi khả năng Elon Musk mua lại công ty ngày càng cao.
Theo chia sẻ của một nhân viên giấu tên, trong vài tuần qua, ngay cả những người không thực sự lo lắng cũng đang trở nên lo lắng. Đặc biệt là sau khi họ nghe được thông tin Musk nói rằng ông ấy sẽ sa thải 75% nhân viên.
“Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng việc sa thải nhân viên sẽ diễn ra ngay lập tức”, nhân viên này chia sẻ với Business Insider. Tuy nhiên, họ cũng không nghĩ rằng các kỹ sư chính của nền tảng cần phải lo lắng. Trong khi đó, các kỹ sư về học máy hoặc những người chịu trách nhiệm xây dựng các dịch vụ thử nghiệm lại sợ mình sẽ là nạn nhân đầu tiên.
“Tôi sẽ lo lắng hơn nếu Musk quyết định xóa sổ các đội một cách bừa bãi theo kiểu tung xúc xắc. Nhưng hiện tại, tôi không lo lắng như vậy. Tôi đã đạt điểm rất cao trong bài đánh giá hiệu suất mới nhất của mình. Họ có nhiều khả năng cắt giảm những người được xếp hạng thấp hơn tôi”, nhân viên này cho biết.
Kể từ khi Elon Musk tuyên bố thực sự muốn mua lại Twitter vào đầu tháng này, người đứng đầu rõ ràng nhất của Twitter là Jay Sullivan, tổng giám đốc về sản phẩm tiêu dùng và doanh thu. Ông đã thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện và lắng nghe với nhân viên, nhưng vào hôm qua 27/10, một cuộc họp lên kế hoạch trước với các nhân viên của Jay đã bị hủy “cho đến khi có thông báo mới” mà không có lời giải thích.
Lần cuối cùng Musk nói chuyện với tất cả nhân viên của Twitter là vào tháng 6, khi ông nói rằng muốn ứng dụng này trở nên giống WeChat và TikTok hơn. Vài tuần trước, Musk nhắc lại quan điểm này trên Twitter, khi viết: “Mua Twitter là một chất tăng tốc để tạo X, một ứng dụng cho mọi thứ”.
Và trong "tâm thư" gửi đến những nhà quảng cáo trên mạng xã hội Twitter hôm qua 27/10, ông chủ mới của nền tảng Elon Musk cho biết đã nghe nhiều về những suy đoán đằng sau việc mua lại Twitter.
"Phần lớn các suy đoán đó đều sai cả", ông khẳng định. "Lý do tôi mua Twitter là nền văn minh trong tương lai cần phải có một nền tảng số giống như một quảng trường, nơi các niềm tin khác nhau có thể được thảo luận một cách văn minh, không bạo lực".
"Tôi không mua Twitter vì đây là một thương vụ dễ dàng hay tôi muốn kiếm tiền từ nó. Tôi làm thế vì muốn giúp nhân loại, những người mà tôi yêu quý", Elon Musk giải thích thêm.
Tham khảo BI, Washington Post
Bảo Nam