Tuổi trẻ Thanh Liêm tích cực tham gia phát triển kinh tế
Với bản tính chịu khó, nhanh nhẹn, ham học hỏi và đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, đoàn viên Hà Văn Trường, sinh năm 1991 (Phố Động, Liêm Cần) đã nung nấu ý tưởng khởi nghiệp từ những khối đá vô tri, vô giác. Anh Trường cho biết: Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi lựa chọn xa quê hương lên Hà Nội lập nghiệp, làm nhiều công việc khác nhau, nhưng kinh tế vẫn khó khăn. Năm 2018, tôi quyết định về quê lập gia đình và học nghề chế tác đá cảnh. Thời gian đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn và thị trường tiêu thụ. Không nản chí, tôi đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư. Sự nỗ lực của bản thân cùng với sự ủng hộ của gia đình, các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn xã, dần dần xưởng chế tác đá cảnh của tôi đi vào hoạt động ổn định, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Sau 6 năm khởi nghiệp, đến nay anh Trường đã mở rộng quy mô sản xuất với diện tích nhà xưởng, không gian trưng bày sản phẩm, vườn cây cảnh, đá cảnh phong thủy rộng hơn 500m2. Với con mắt nghệ thuật và sự sáng tạo, trong vườn cây cảnh, đá cảnh của anh hiện trưng bày những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, như: Non bộ bút chấm thủy, Bồng lai tiên cảnh, hồ cá Koi, cây cảnh Bonsai… Mỗi sản phẩm đều thể hiện sự công phu, tỉ mỉ, mang tính nghệ thuật. Giá thành của các sản phẩm tại xưởng của anh Trường dao động từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Lợi nhuận mỗi năm anh Trường thu được từ nghề chế tác đá cảnh, sau khi trừ chi phí khoảng 500 – 700 triệu đồng/năm.
Qua tìm hiểu tôi được biết, hiện nay trên địa bàn xã Liêm Cần có khoảng 22 đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp từ nghề kinh doanh, chế tác đá cảnh. Đoàn xã Liêm Cần đã thành lập nhóm Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế với mục đích để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế. Đồng thời, hỗ trợ nhau trong việc ứng dụng công nghệ số vào quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok… nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Rời xã Liêm Cần chúng tôi tới thăm anh Trịnh Tiến Toàn (thôn Lác Nội, xã Thanh Hương). Anh Toàn cho biết, cơ duyên khiến anh gắn bó với nghề chăn nuôi gà từ năm 2019 trong một lần tình cờ được đi tham quan mô hình trang trại nuôi gà tại huyện Bình Lục. Anh đã mạnh dạn vay vốn và đầu tư cải tạo chuồng trại nuôi hơn 1.000 con giống gà ri, trung bình mỗi năm 3 lứa. Sau 5 năm khởi nghiệp với mô hình nuôi gà, hiện nay anh mở rộng quy mô chuồng trại với diện tích 5.500m2, duy trì nuôi gần 5.000 con gà/lứa, lợi nhuận thu về mỗi năm khoảng 350 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương với mức lương từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Trong những năm qua, Huyện đoàn Thanh Liêm đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp. Tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ nguồn vốn phát triển kinh tế và thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên để định hướng nghề nghiệp sát với thực tế địa phương. Các cấp bộ đoàn đã huy động được nhiều nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện cho hàng trăm đoàn viên, thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Huyện đoàn luôn sẵn sàng hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thanh niên, giới thiệu các mô hình khởi nghiệp thành công để tạo niềm tin, sức lan tỏa, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của thanh niên trong bước đầu khởi nghiệp. Năm 2023, Huyện đoàn Thanh Liêm đã tổ chức thành công 8 dự án gọi vốn đầu tư khởi nghiệp cho thanh niên; khai thác sử dụng hiệu quả 50,5 tỷ đồng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cho trên 950 đoàn viên, thanh niên, hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã có 80 trang trại, gia trại và 30 mô hình phát triển kinh tế, 50 hộ kinh doanh dịch vụ do đoàn viên, thanh niên làm chủ.
Chị Đoàn Thị Hồng Thúy, Bí thư Huyện đoàn Thanh Liêm cho biết: Những mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên địa phương, không chỉ nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương mà còn góp phần không nhỏ trong việc thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, Huyện đoàn Thanh Liêm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, phong trào hỗ trợ, đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp; khích lệ tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương mình.
Bùi Linh