Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới - Kỳ 2: Thanh niên khởi nghiệp, dựng xây đất nước
Cô gái Việt với khát vọng đưa "tinh hoa của biển" ra thế giới
Vừa trở về từ chương trình Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025, chị Trần Thị Hồng Thắm (SN 1992), hiện đang là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên VN huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đã lập tức ra đồng muối, để thăm hỏi bà con và kiểm tra nguyên liệu đầu vào.
Khát vọng giúp bà con diêm dân đã đưa chị Thắm tìm ra hướng kinh doanh mới.
Trong chuyến đi vừa rồi, sản phẩm muối NanoSalt được Bộ Nông nghiệp và Môi trường vinh danh là 1 trong 21 sản phẩm muối tiêu biểu của Việt Nam. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến không biết mệt mỏi của chị Thắm và các cộng sự.
Chị Thắm cho biết, chị sinh sống tại huyện Quỳnh Lưu, là địa phương có vựa muối lớn nhất tỉnh Nghệ An với diện tích hơn 600ha, 12 hợp tác xã. Vì vậy, chị nhiều lần chứng kiến diêm dân làm muối tại những cánh đồng giữa trời nắng như đổ lửa.
Nhọc nhằn mưu sinh nhưng diêm dân lại không ít lần chịu mùa "muối đắng", được mùa mất giá, bấp bênh. Những năm gần đây, làng nghề làm muối truyền thống huyện Quỳnh Lưu còn đứng trước nguy cơ mai một. Những người trẻ không mặn mà với nghề vất vả này, dẫn đến nhiều diện tích sản xuất muối ở đây bị bỏ hoang.
Thấu hiểu nỗi vất vả, bấp bênh của người làm muối trên quê hương, chị Thắm luôn thường trực một nỗi trăn trở, phải có cách để nâng cao giá trị hạt muối huyện Quỳnh Lưu.
Tất cả các sản phẩm là thành quả chắt chiu từ những tinh hoa của biển.
Càng theo dõi về nghề muối, chị Thắm phát hiện ra bà con đang lãng phí một nguồn nguyên liệu quý cực lớn, đó là "mật muối". Đây là phần nước chảy ra từ hạt muối, và là lượng nước còn sót lại trên bề mặt phơi ở những cánh đồng, thứ vẫn được bà con làm muối gọi dân dã là nước ót hay nước chạt.
"Mật muối chảy ra từ muối vốn bị xem là chất dư thừa, người dân thường đổ bỏ sau quá trình làm muối. Trước đây, bà con chỉ dùng muối thô để bán, còn phần này được xem là phụ phẩm trong sản xuất, chỉ dùng một ít cho chảy vào các ao hồ tôm để bổ sung khoáng chất. Nếu muối ăn thông thường thành phần chủ yếu là Natri thì trong mật muối là các khoáng chất như: Natri, Kali, Magie và khoảng 60 vi khoáng khác", chị Thắm lý giải.
Đưa suy nghĩ này về bàn với gia đình thì chồng chị là anh Hồ Xuân Vinh nhận thấy tiềm năng to lớn. Anh Vinh vốn là dân kỹ thuật, sở hữu nhiều sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp nên đã tự mình mày mò, nghĩ cách để phát huy được hết giá trị của mật muối.
Sau 5 năm miệt mài nghiên cứu, chị Thắm và cộng sự đã sáng tạo ra các dòng muối giảm mặn đa khoáng.
Đi tìm câu trả lời, vợ chồng chị Thắm đã nhiều ngày phơi mình trên cánh đồng nắng chang chang vào các buổi trưa để nghiên cứu, làm sao nâng giá trị hạt muối, để cuộc sống diêm dân bớt đi vị mặn chát khi muối mất giá.
Sau 5 năm miệt mài nghiên cứu, vợ chồng chị đã chế tạo thành công ra các loại máy móc đặc biệt, có thể phân tách đa tầng, giúp tách riêng từng loại vi khoáng có trong mật muối.
Công nghệ này đã nhận được 3 bằng sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công Nghệ). Đây cũng chính là nền tảng quan trọng giúp cho sản phẩm muối NanoSalt khác biệt so với những loại muối khác đang có trên thị trường.
"Chúng tôi đã áp dụng quy trình công nghệ phân tách đa tầng để tạo thành các sản phẩm hữu ích là muối ăn giảm độ mặn, giàu khoáng chất mang tên NanoSalt. Khi lắp đặt chạy thử thành công dây chuyền sản xuất muối, tôi đã rất hạnh phúc vì có thành quả đầu tiên", chị Thắm nói.
Sản phẩm muối NanoSalt được Bộ Nông nghiệp và Môi trường vinh danh là 1 trong 21 sản phẩm muối tiêu biểu của Việt Nam. Ảnh NVCC.
Tháng 6/2022, các dòng muối giảm mặn đa khoáng mang thương hiệu NanoSalt (viết tắt của từ "Nghe An Ocean salt" là Muối biển Nghệ An) chính thức ra mắt thị trường.
"Khi có được sản phẩm thì chúng tôi đã lập hồ sơ đăng ký chứng nhận OCOP. Sau đó, vợ chồng tôi cùng cộng sự lặn lội khắp nơi, tìm đủ mọi cách để các sản phẩm chế biến từ muối Quỳnh có mặt tại các kệ hàng, các siêu thị, các gian hàng trưng bày trong các đợt hội chợ, hội thảo… Đến nay, may mắn NanoSalt được khách hàng đón nhận, có chỗ đứng trên thị trường", chị Thắm nói.
Hiện tại, sản phẩm đã có mặt tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước với 45 đại lý và cửa hàng phân phối. Dự án cũng tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 5 lao động thời vụ, với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài những giá trị sức khỏe và kinh tế mang lại, dự án NanoSalt thành công còn giúp hơn 10.000 bà con diêm dân cùng 12 hợp tác xã muối tại Quỳnh Lưu có đầu ra ổn định, nguồn thu nhập tốt hơn, tạo nhiều sinh kế cho nghề muối truyền thống của địa phương.
Bản lĩnh của nam thanh niên xứ Nghệ bỏ phố về quê lập nghiệp
Tốt nghiệp đại học, anh Phạm Văn Long (SN 1991), trú xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được nhận vào một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Hà Nội.
Mặc dù công việc ổn định, mức thu nhập cao và có cơ hội thăng tiến nhưng chưa bao giờ anh Phạm Long nghĩ sẽ ở lại thành phố. Từ khi còn là sinh viên, anh đã nhen nhóm những ý tưởng kinh doanh và mong muốn xây dựng một sản phẩm cho riêng mình ở quê nhà.
Từ bỏ mức lương ổn định, anh Long quyết định về quê lập nghiệp.
Năm 2018, anh quyết định về quê làm nông nghiệp, sản xuất ngũ cốc sạch, hỗ trợ bà con nông dân, với niềm tin rất lớn sẽ đưa sản phẩm này vươn xa trên thị trường. Sau nhiều năm đầu tư, bột mầm ngũ cốc cao cấp của đơn vị được chứng nhận OCOP 3 sao.
Năm 2022, thị trường chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, nhiều đơn vị sản xuất phải đóng cửa do không bán được hàng. Nhưng với tuy duy của người trẻ tuổi, anh Long nhận thấy trong sóng gió là cơ hội để công ty vươn mình phát triển. Anh quyết định thay đổi mô hình kinh doanh.
"Từ năm 2022, tôi chuyển từ bán hàng truyền thống sang online, tức là đưa sản phẩm lên mạng xã hội và chạy quảng cáo. Hiệu quả đạt được gần như tức thì, ngay trong năm 2022 – 2023, doanh số đã tăng gấp 4 lần so với trước đây", anh Long nói.
Sau nhiều năm cố gắng, đơn vị của anh đã đạt nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh NVCC.
Thời điểm này, anh Phạm Văn Long hiện là Ủy viên BCH Huyện Đoàn Yên Thành, Chủ nhiệm CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Tân Thành. Năm 2022, trước những nỗ lực không ngừng nghỉ, Phạm Văn Long là thanh niên tiêu biểu của Nghệ An nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.
Kết thúc năm 2024, doanh số tiếp tục tăng thêm, điều này chứng tỏ con đường của anh Long đã đi đúng hướng, tạo nền tảng cho anh tiếp tục phát triển sản phẩm phù hợp với địa phương. Cơ sở của anh cũng đã tạo được công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở quê nhà.
Điều đáng quý của chàng trai này là luôn cố gắng giúp đỡ cộng đồng bằng các chương trình thiện nguyện. Ảnh NVCC.
Mới đây, ngày 25/3, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã công bố danh sách các doanh nghiệp đạt chứng nhận năm 2025. Kết quả là 562 doanh nghiệp đã chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Đáng chú ý, có 41 doanh nghiệp lần đầu tiên đạt được chứng nhận này, trong đó có công ty của anh Long.
"Tôi muốn nói với các bạn trẻ đang khởi nghiệp rằng con đường ấy rất chông gai, vất vả. Sẽ có nhiều người xung quanh đàm tiếu, chê bai. Nhưng, bản thân phải luôn kiên định lý tưởng, hoài bão của mình, quyết tâm thực hiện. Thất bại không được nản chí, hãy đứng dậy và bước tiếp", anh Long nói.
Năm 2024, Tỉnh đoàn Nghệ An đã hỗ trợ 11,85 tỷ đồng cho thanh niên vay vốn để khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế (đạt 118%), 46 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên được tổ chức Đoàn hỗ trợ (153%); 4.665 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao nhân lực về khởi nghiệp và quản trị kinh doanh (233,2%).
Mời độc giả đón đọc Kỳ cuối: Sứ mệnh của thanh niên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vào lúc 03/04/2025.
Nguyễn Anh Ngọc