Từ trường doanh nhân 'độc nhất vô nhị' đến thế hệ doanh nhân nhân bản
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2004-13.10.2024), ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, đã chia sẻ những câu chuyện ít người biết về PACE, về lịch sử kinh thương và một thế hệ doanh nhân mới.
"Lập trường PACE, tôi bị mang tiếng 'tâm thần'”
Ngay từ khi ra đời, PACE đã là một trường học “độc nhất vô nhị” cho doanh nhân chưa bao giờ có trước đó. Sự xuất hiện này gắn với dòng chảy của giới doanh nhân Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Ông Giản Tư Trung: Tôi có may mắn là gắn bó với sự học của doanh nhân từ những ngày đầu. Vì Trường Doanh nhân PACE ra đời trong thời điểm khá đặc biệt của lịch sử kinh thương, sau giai đoạn thăng trầm trước đó.
Nếu nói sơ về lịch sử kinh thương Việt Nam thì có thể gom mấy ngàn năm trước lại thành một thời kỳ. Thời phong kiến, kinh thương Việt Nam sống trong ý thức hệ của Nho giáo, Khổng giáo: sĩ – nông – công – thương – binh. Thương nhân là tầng lớp có thể giàu có nhưng là tầng lớp hạ đẳng của xã hội.
Tại sao như vậy? Nguyên nhân thứ nhất là ý thức hệ của Nho giáo tin rằng chỉ có nông nghiệp mới tạo ra của cải vật chất còn thương nhân chỉ là đám mua đi bán lại kiếm lời chứ không tạo ra giá trị gì. Thứ hai là bản thân cách thức làm ăn của thương nhân hồi đó cũng không được tốt lành lắm, đa số là “mua gian, bán lận”, dần trở thành kẻ thù của nông dân. Hai điều đó cộng lại khiến thương nhân không phát triển được.
Cho đến đầu thế kỷ 20 có một lực lượng gọi là Tây học, tiếp thu văn minh của phương Tây như cụ Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Phan Khôi… Họ nhận ra rất rõ rằng nếu không có doanh thương thì không có phát triển, đất nước không thể phú cường, thịnh vượng. Mặc dù thành công cũng nhỏ thôi nhưng ý nghĩa rất lớn.
Các cụ lấy chính bản thân mình để chứng minh cho người đời rằng kinh doanh là nghề cao quý chứ không xấu xa như người đời vẫn nghĩ. Tức là các cụ muốn định nghĩa lại cái nghề này và cuối cùng xuất hiện thế hệ doanh nhân đầu tiên như Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền. Tức là bắt đầu hình thành một nhóm tư bản dân tộc nhưng cũng nhanh chóng kết thúc.
Năm 1945 trở đi, chúng ta bắt đầu một chế độ xã hội mới. Do chiến tranh, mặc dù có kinh doanh nhưng cũng không đủ để hình thành một tầng lớp doanh nhân. Đến năm 1975 cho đến thập niên 90 thì kinh doanh gần như không còn, dù có một số cơ sở hoạt động mà chúng ta thấy sau đó những vụ án như Nước hoa Thanh Hương, Lâm Cẩu, Huỳnh Là… Lúc này, Nhà nước mới thấy là dẹp thì không nên mà để thì phải có luật. Vì vậy, năm 1990 bắt đầu có “luật doanh nghiệp tư nhân” nhưng cũng chưa khuyến khích bao nhiêu thì muốn thành lập thì phải có rất nhiều giấy phép và phải là chủ tịch cấp tỉnh cho phép.
Đến năm 1999 mới có Luật Doanh nghiệp mới và đây là một bộ luật có tính cách mạng trong lịch sử kinh thương Việt Nam. Luật này chính thức luật hóa quyền tự do kinh doanh, chính thức trả lại quyền này cho người dân.
Năm 2001, Luật này đi vào cuộc sống thì cũng chính năm đó PACE ra đời. Nhưng khi lập trường, tôi còn bị mang tiếng “tâm thần” vì việc làm này! Nhưng cuối cùng PACE lại thành công, trở thành một hiện tượng xã hội và cùng với doanh nhân bước vào thời kỳ mới.
Từ khoảng 30.000 doanh nghiệp năm 2001, cho đến bây giờ đất nước đã có gần 1 triệu doanh nghiệp, giới kinh doanh đã đi được một chặng đường rất dài. Nhưng thật ra từ năm 2001, lịch sử kinh thương mới thật sự bắt đầu.
Ông bị mang tiếng "tâm thần"?
PACE thành lập năm 2011, đến năm 2003 bắt đầu thành công và 2004 trở thành một hiện tượng xã hội. Nhưng ngay khi ra đời, nhiều người nói tôi bị "tâm thần" lắm!
Thời đó, nói thật lòng là doanh nhân không có nhu cầu đi học. Lúc này chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước chứ doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài rất ít. Mới bỏ cấm vận, giao thương Việt Nam và thế giới chưa có, internet chưa có. Doanh nhân đã không có nhu cầu đi học mà lại mở một trường đào tạo cho doanh nhân, lại không có bất kỳ bằng cấp, chứng chỉ nào. Họ không tin PACE thành công nổi.
Thật ra thì chính xác lúc đó chỉ là một hoạt động cá nhân tôi muốn làm điều gì đó. Sau khi làm một số công việc để mưu sinh, tôi mới suy nghĩ rằng thiên hạ có thể chia làm ba nhóm: dân trí, quan trí và doanh trí. Dân trí thì lớn quá, quan trí thì ai cho làm? Chỉ có một chỗ chưa ai nghĩ đến là doanh trí. Từ này chạy ra khỏi đầu tôi dù lúc đó trong từ điển cũng chưa có.
Lúc này lại có câu hỏi: đào tạo nhân viên hay lãnh đạo? Đào tạo nhân viên thì dễ lắm và thị trường còn rất nhiều. Nhưng đào tạo lãnh đạo thì thị trường rất nhỏ, mà lãnh đạo thời đó là thầy, là cha, là mẹ, ít người chịu đi học. Có người thì nói tôi còn trẻ làm sao mà dạy được lãnh đạo? Nhưng tôi nghĩ nếu mà làm thì phải làm một trường giành riêng cho lãnh đạo, cho doanh nhân dù lúc đó nó là một thứ rất mơ hồ. Vì nó chưa có tiền lệ và chưa có internet thì cũng không biết nước ngoài có làm không và làm như thế nào.
Trong thời gian đó tôi có đi tư vấn kiểm toán quốc tế cho các công ty Big Four. Tôi nhận ra là các doanh nghiệp rất cần một số thứ mà mình nói hoài họ cũng không hiểu. Doanh nghiệp nào cũng cần mà không nơi nào dạy cả. Tôi bắt đầu đưa ra những chương trình đào tạo mà không ai có thể nghĩ đến. Đó là kế toán dành cho lãnh đạo, tài chính dành cho lãnh đạo, kiến thức pháp luật dành cho lãnh đạo… Những thứ đó cứ nghĩ là nhân viên đi học ra trường rồi vào doanh nghiệp làm thôi nhưng lãnh đạo cũng cần phải hiểu qua những khóa ngắn hạn.
Tiếp theo tôi mở một khóa học mà nhờ vào đó có thể nuôi sống PACE rất dài về sau này là quản trị văn hóa. Cứ thế mà PACE phát triển mạnh và trở thành một hiện tượng xã hội. PACE cũng đồng hành với sự học của các doanh nhân, đồng hành cùng doanh nghiệp, từ khi họ còn nhỏ đến khi lớn mạnh giá trị cả tỉ đô. Mình phải đi trước cộng đồng doanh nghiệp rất xa mới có thể đồng hành được như vậy.
Kinh doanh là tốt lành
Từ 2001 đến nay là đã hơn 20 năm, giới doanh nhân cũng đã có những thay đổi rất lớn và trải qua không ít thăng trầm, thậm chí phải trả giá trong quá trình kinh doanh. Trong đó, có cả những người mà ông từng biết và gặp gỡ rất nhiều. Với vai trò của ông với PACE chứng kiến chặng đường này, ông có trăn trở về điều đó?
Trăn trở chứ! Khi muốn làm ăn, tất cả doanh nhân đều có khát vọng. Trong đó có 2 loại khát vọng phổ biến nhất: lớn và bền. Một là khát vọng lớn, không cần bền. Hai là không cần lớn, chỉ cần bền vững. Ví dụ có những quán phở không lớn nhưng bền vững, truyền cả 4-5 thế hệ. Cả lớn và bền thì càng tốt nhưng phải dựa trên một thứ cực kỳ quan trọng. Đó là chiều sâu văn hóa và giá trị bền vững. Cái đó không giả được.
Văn hóa vừa là “chân thắng” vừa là “chân ga”. Văn hóa là đức tin, lý tưởng, dấn thân đẩy mình đi, chinh phục bao chông gai, bao núi cao. Nhưng văn hóa cũng là thứ giúp mình không sa xuống vực sâu. Phải có lằn ranh đỏ cho bản thân. Nhiều doanh nhân vượt qua lằn ranh đó vì tin vào một số thế lực. Nhưng trên đời này không có thế lực nào bền vững cả. Chỗ dựa lớn nhất là giá trị bền vững, gồm giá trị phổ quát và nguyên lý trường tồn.
Vậy trên đời này có giá trị phổ quát và nguyên lý trường tồn nào mà mình dựa vào đó để chắc chắn không sai?
Thời đại này là thời đại hoang mang, thời đại có 3 hệ lụy lớn nhất về mặt văn hóa. Mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Chỉ có một thứ đúng ở mọi nơi, mọi thời, phổ quát và trường tồn là “Nhân Bản”. Nhân bản là lấy độc lập và tự do của con người làm gốc, lấy thành công của con người làm gốc, lấy danh dự và phẩm giá của con người làm gốc. Doanh nhân cũng cần như thế, nhưng không chỉ nhân bản với khách hàng, còn phải nhân bản với nhân viên, nhà cung cấp…
Theo ông thế hệ doanh nhân mới hiện nay như thế nào?
Nếu nói về doanh trí, doanh nhân đã tiến một bước dài, rất dài so với trước. Doanh nhân đã đi một đôi hia bảy dặm và thay đổi rất nhanh, mặc dù so với thế giới thì chưa bắt kịp vì họ đã đi trước cả trăm năm. Trong doanh trí có nhiều thứ, trong đó có một thứ rất khó đi nhanh được là văn hóa.
Có người hỏi tôi hướng về một thế hệ doanh nhân mới là như thế nào? Vì mình không làm rõ thế hệ doanh nhân mới như thế nào thì làm sao hướng về? Thế hệ doanh nhân mới là thế hệ không chỉ có năng lực lãnh đạo hoặc là tài năng kinh doanh. Chuyện đào tạo tài năng kinh doanh, năng lực lãnh đạo là hiển nhiên và mới cũ gì cũng phải có. Thế hệ doanh nhân mới cần có thêm nhiều thứ khác là chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và có tinh thần ái quốc. Đó là sự khác biệt lớn nhất của thế hệ doanh nhân mới, một thế hệ rất dân tộc nhưng cũng rất là chính mình.
Tôi có nói nhiều đến định nghĩa kinh doanh, tư tưởng kinh doanh: kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành. Tức là có 2 từ: kiếm tiền và tốt lành. Lâu nay người ta hiểu phụng sự xã hội là từ thiện, đóng thuế, giải quyết công ăn việc làm... Điều đó cũng đúng thôi nhưng là phụng sự xã hội nhỏ. Phụng sự xã hội lớn nhất không phải cái gì khác ngoài sản phẩm dịch vụ. Công ty nào cũng có hết, ngay cả quán phở cũng bán tô phở để phụng sự xã hội. Nhưng điều đó có tốt lành không? Nếu tốt lành thì đó là kinh doanh, không tốt lành thì chỉ đội lốt kinh doanh.
Thế hệ doanh nhân mới là thế hệ không chỉ có năng lực lãnh đạo hoặc là tài năng kinh doanh.... Thế hệ doanh nhân mới cần có thêm nhiều thứ khác là chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và có tinh thần ái quốc.
Vậy thế nào là tốt lành?
Tốt lành của mọi người thì dựa trên 2 yếu tố. Một là không trái pháp luật. Hai là không trái với đạo đức xã hội. Nhưng với doanh nhân còn là không trái với lòng mình và không trái với đức tin. Chúng ta đã chứng kiến nhiều, rất nhiều doanh nhân phải trả giá khi doanh nghiệp phát triển đến một mức độ nào đó thì không giữ được sự “tốt lành” như trước nữa.
Vậy ông có niềm tin về thế hệ doanh nhân mới?
Tôi vẫn luôn tin, luôn hi vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Thà tin nhầm còn hơn nghi kỵ nhầm. Mình chỉ cần giúp họ chạm vào chiều sâu. Chạm được rồi thì chắc chắn họ thay đổi. Họ sẽ nhân bản hơn.
Nhân bản không phải là một phương tiện để đạt được mục đích. Nhân bản là lẽ sống!
An Thư thực hiện