1. Kinh doanh

Từ trào lưu mua Iphone 16, nghĩ về lối sống 'phông bạt'

Tại Việt Nam, iPhone 16 có giá từ 23 triệu đồng đến 47 triệu đồng tùy từng dòng. Nhà cung cấp dự báo tới cuối tháng 10, tổng lượng máy bán ra thị trường có thể đạt 120.000 chiếc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người quý 1/2024 đạt 5,2 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân của lao động trong quý 1/2024 khoảng 7,6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, người mua phải dành ra toàn bộ số tiền lương từ 6-10 tháng để rinh về một chiếc điện thoại, thậm chí nhiều người sẵn sàng chi thêm nửa tháng lương để sở hữu bản màu “đinh”, quả thực rất đáng suy ngẫm.

Hẳn nhiên phải có tiền mới mua được chiếc điện thoại dòng mới nhất của “nhà táo”. Hiện một bộ phận có điều kiện kinh tế tốt, thay “dế cưng” nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cuộc sống thì không có gì để bàn, nhưng nếu chạy theo trào lưu “phông bạt” khi túi tiền luôn trong tình trạng eo hẹp thì nên xem xét lại. Người lao động thu nhập bình thường, chỉ khi tiêu dùng khéo léo mới có số dư tiết kiệm phòng thân nhưng cũng không đáng kể. Để chi một lần vài chục triệu đồng, số tiền này phải tiết kiệm trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Không ít người trẻ đi vay, chấp nhận mua trả góp, thế chấp để thỏa mãn cơn ghiền “dế xịn”.

Trào lưu “phông bạt” không phải bây giờ mới có, nhưng nhiều hơn trước. Khi mạng xã hội như ngôi nhà chung, cuộc sống ảo phơi bày đã tạo áp lực cho những người vốn dĩ sống xa rời thực tế, càng bị cuốn vào lối sống “phông bạt”. Họ muốn chứng minh hình thức không thua kém ai, muốn có “phông bạt” thật hoành tráng…

Trở về hiện thực cuộc sống, sau những lời tung hô, nỗi lo toan hằng ngày không ai gánh giúp. Khi đó áp lực cộng dồn, vừa làm sao giữ được hình ảnh không bị lu mờ, vừa lo lấp vào khoản chi tiêu vượt xa thu nhập của mình. Hệ lụy phía sau là những gì, không ai lường hết. Đó là với cá nhân, còn với cộng đồng, không khó nhận thấy trào lưu “phông bạt” trở thành thói quen che đậy sự thật, sẽ là mối nguy hại vô cùng lớn cho xã hội.

Nhiều người biết cố tỷ phú Steve Paul Jobs là đồng sáng lập viên, từng là chủ tịch, tổng giám đốc điều hành của hãng Apple, cũng là cha đẻ của Iphone. Nhiều người cũng biết CEO của Apple hiện nay là Tim Cook. Nhưng không ít tín đồ của Iphone không biết đến một góc câu chuyện đặc biệt về họ: Cả hai đều là những người vô cùng tiết kiệm và tối giản.

Nếu không phải toán học, so sánh nào cũng khập khiễng, cho dù có cùng một hằng số. Nhưng không khó để so sánh thu nhập bình quân 4.000 USD/người/ năm (tương đương của Việt Nam) với 40.000 USD/người/năm trở lên của 60 quốc gia phát triển trên thế giới. Vì thế, cũng không khó nhận ra việc phải bỏ ra thu nhập của nửa năm với người Việt Nam và bỏ ra thu nhập nửa tháng với nhiều nước khác để mua một chiếc Iphone, có ảnh hưởng như thế nào với chủ chiếc Iphone ấy.

Thay vì đổ tiền vào một chiếc điện thoại đắt tiền khi điều kiện chưa dư dả, rộng hơn là chạy theo trào lưu “phông bạt” chỉ vì vẻ hào nhoáng bên ngoài, hãy tập trung vào cuộc sống hiện thực và phát triển bản thân mới là quyết định đúng đắn, mang lại kết quả tích cực. Chỉ đến khi chính mình vui vẻ, hạnh phúc, không lo âu, chiếc điện thoại đời mới cầm trên tay mới thực hiện đúng chức năng phục vụ cho cuộc sống của mình. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, thành ngữ người xưa để lại vẫn còn nguyên giá trị.

Hồng Cúc

Tin khác