1. Kinh doanh

Từ những hạt mắc ca

Chị Chi với sản phẩm mắc ca của mình

TỪ TÌNH YÊU VỚI MẮC CA

Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ sư nông nghiệp tại Trường Đại học Đà Lạt vào năm 2011, chị Chi chọn TP Hồ Chí Minh là điểm dừng chân với mong muốn tìm được một công việc, mức lương ổn định. Tuy nhiên, sau 4 năm xa quê, chị nhận ra bản thân không còn phù hợp và từ bỏ phố thị để trở về quê lập nghiệp.

Là một cô gái người đồng bào dân tộc Tày theo chân cha mẹ vào Lâm Đồng làm kinh tế mới từ những năm 1991 - 1992 nên chị hiểu được những vất vả, lo toan, cuộc sống mưu sinh trên vùng đất mới. Chia sẻ câu chuyện tìm đến mắc ca, ít ai biết rằng, để có được hệ thống hoàn thiện như ngày hôm nay, việc kinh doanh đi vào ổn định và phát triển, chị Chi đã trải qua không ít khó khăn và thất bại. “Lúc ấy cuộc sống khó khăn, nên tôi hiểu được sự vất vả của người nông dân, và ước mong vươn lên của những người đồng bào dân tộc thiểu số phải tha phương để tìm đến một vùng đất mới. Vào năm 2008, cha tôi là một trong những người tiên phong tại Tân Thanh trồng mắc ca. Sau khi trồng và có hiệu quả, tôi nhận thức được rằng mắc ca khi ấy đã giúp cuộc sống, kinh tế gia đình mình trở nên ổn định hơn. Tuy nhiên, nhận thấy ở địa phương, gia đình và các hộ dân lân cận thu hoạch đại trà mắc ca nhưng đầu ra hầu như không có. Trên thị trường khi ấy, sản phẩm mắc ca của Úc được bán với giá rất cao. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy đây là cơ hội kinh doanh rất tốt cho bản thân nên quyết định về lại quê hương”, chị Chi tâm sự.

Năm 2015, chị Chi bắt đầu tìm hiểu về quy trình chế biến hạt mắc ca. Dành thời gian vừa làm, vừa học, cô gái người đồng bào dân tộc Tày luôn nung nấu và ấp ủ nhiều dự định cho việc khởi nghiệp từ những hạt mắc ca dẫu cho lúc ấy mọi thứ còn nhiều khó khăn. “Ngay từ khi khởi nghiệp, tôi biết rằng đây là con đường khó khăn, vất vả, đặc biệt là đối với một gia đình không mấy khá giả. Tuy nhiên, khi xác định theo đuổi giấc mơ nông nghiệp sạch, tôi đã sẵn sàng đương đầu với những thử thách. Ngoài làm kinh tế, tôi mong muốn tạo dựng được một sản phẩm đặc trưng của quê hương, để khi nhắc đến mắc ca, người ta nghĩ ngay đến vùng đất Tân Thanh”, chị Chi nói.

Chị Chi thông tin thêm, trước đây, hạt mắc ca sau khi thu về, gia đình chị tiến hành phân loại và cho vào nồi rang bằng bếp củi, mỗi mẻ chỉ khoảng 1 - 2 kg. Đến công đoạn tách hạt, chị dùng khuôn gỗ có lỗ đúc sẵn cho hạt vào và dùng búa đập cho vỡ lớp vỏ ra. Khi ấy cả gia đình làm thủ công, cật lực mà mỗi ngày chỉ được vài kg mắc ca thành phẩm.

Hiện, chị Chi đang thực hiện hệ thống dập nứt - đóng gói - sấy - hút chân không và đóng thùng sản phẩm để chế biến hạt mắc ca sấy nứt. Nguyên liệu từ sản lượng mắc ca trồng trong vườn của gia đình và thu gom từ các hộ trồng mắc ca trên địa bàn xã. Theo chị Chi, quy trình chế biến hạt mắc ca không khó, nhưng đòi hỏi sự công phu trong từng công đoạn. Mắc ca sau khi thu về sẽ được phân loại rồi chọn hạt có độ đồng đều cao; sấy sơ qua để bảo quản, sau đó mới sấy chín. Hạt sấy xong sẽ được cắt nứt và soi kỹ qua bóng đèn để loại bỏ những hạt bị đốm đen do bảo quản không đúng cách. Để hạt mắc ca được ngon và giòn, chị Chi chọn phương pháp sấy rồi mới cắt nứt. Với phương pháp này, sản lượng mắc ca hao hụt nhiều, nhưng cho hạt thành phẩm trắng đều, thơm ngon và giữ được hàm lượng dinh dưỡng. Lấy uy tín, chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu nên khách hàng tìm đến mua sản phẩm mắc ca của các chị ngày một đông.

ĐẾN VIỆC GẦY DỰNG THƯƠNG HIỆU

Để nâng cao giá trị sản phẩm, cuối năm 2022, chị Chi đã xây dựng và trở thành Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tân Thanh (gọi tắt là HTX Tân Thanh) với sản phẩm chính là sản phẩm mắc ca sấy nứt và tách vỏ mang thương hiệu Mắc ca Tân Thanh. Hiện HTX có 5 thành viên với hơn 30 ha mắc ca đang được trồng tại địa phương. Chị Chi cho biết: “Việc thành lập HTX là điều kiện cần và đủ để sản phẩm mắc ca được nhiều người biết đến, đồng thời sẽ là nơi thu mua, sản phẩm có đầu ra ổn định. Hiện, mắc ca của HTX được bán trên các trang mạng xã hội, tik tok, facebook…; chủ yếu xuất hiện và được tiêu thụ trong nước với 2 thị trường chính là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Riêng trong năm 2023, HTX cho ra thị trường 10 tấn mắc ca thô và 10 tấn mắc ca sấy”.

HTX Tân Thanh đi vào hoạt động sau hơn 1 năm, chị Chi nhận thấy cần phải có sự đột phá, khác biệt nên thành lập thêm công ty tư nhân mang tên CB&TM Nông sản Sơn Vỹ với mục đích tạo ra các sản phẩm cao cấp hơn từ hạt mắc ca cũng như các nông sản sẵn có tại địa phương; trong đó, có làm và sản xuất dầu mắc ca ép lạnh nguyên chất dành cho bé ăn dặm.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Chi cho biết sẽ đầu tư thêm máy móc, chiến lược kinh doanh để đưa sản phẩm vào một số hệ thống và xuất khẩu đi một số nước khác, mở văn phòng đại diện, sản lượng hàng năm sau cao hơn năm trước cho tới khi ổn định ở con số hợp lý. Bên cạnh sản phẩm hạt mắc ca sấy dập nứt, chị Chi sẽ cho ra thị trường các sản phẩm như tinh dầu mắc ca, hay bột bơ…

Bà Phạm Thị Cẩm Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thanh cho biết: “Sản phẩm mắc ca của chị Lương Kim Chi đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng với tiêu chí sạch và đảm bảo chất lượng. Ngoài phát triển kinh tế, sản phẩm của HTX này còn góp phần quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản địa phương. Sản phẩm của chị Chi đã được UBND huyện Lâm Hà công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Vừa qua, sản phẩm của chị Chi đã đoạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng với tên Dự án Khởi nghiệp dầu mắc ca ép lạnh nguyên chất dành cho bé ăn dặm”.

THÂN THU HIỀN

Tin khác