1. Kinh doanh

Từ đôi bàn tay trắng, ông nông dân bỏ túi 10 tỷ đồng/năm nhờ nuôi con 'hiền lành, mắn đẻ'

Nuôi đặc sản "to bự" nhẹ nhàng thu 10 tỷ đồng

Là một trong những nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, ông Vũ Văn Chiến, tỷ phú nuôi cá đặc sản toàn con "to bự" ở Bắc Ninh thu hút sự chú ý của bà con nông dân.

Từ nông dân chăm chỉ làm ăn đến nay ông Chiến là Giám đốc HTX nuôi cá lồng có quy mô lớn nhất tỉnh Bắc Ninh. Ông vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Ảnh: Báo Dân Việt.

Trước khi có thu nhập ấn tượng như hiện nay, ông nông dân này từng làm gạch ba vanh rất vất vả sau đó chuyển sang nghề nuôi cá lồng trên sông Đuống.

Tiết lộ bí quyết làm giàu với nghề chăn nuôi cá, ông Vũ Văn Chiến cho biết, trước khi nuôi cá lồng trên sông Đuống, gia đình ông có xưởng sản xuất, kinh doanh gạch ba vanh, tạo công ăn việc làm cho gia đình và thu hút 7-8 lao động của địa phương. Tuy nhiên khi các cụm, khu công nghiệp đi vào hoạt động nhiều, số công nhân lao động trong xưởng giảm bớt, chuyển đi làm công ty, khiến việc sản xuất gạch ba vanh của gia đình gặp khó khăn.

Với ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương và nhận thấy lợi thế có nhà nằm cạnh sông Đuống, ông đã nghĩ đến việc chuyển nghề từ sản xuất gạch ba vanh sang nuôi cá lồng trên sông.

Quyết tâm khởi nghiệp bằng được, ông cùng một số anh em trong thôn, trong xã đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng ở các tỉnh bạn.

Nuôi cá đặc sản bằng hình thức nuôi lồng trên sông Đuống, ông nông dân có doanh thu 10 tỷ đồng/năm.

"Lúc đó, mô hình nuôi cá lồng ở các tỉnh này rất hiệu quả", ông Chiến chia sẻ với Dân Việt và cho biết vào thời điểm năm 2015 tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ 15 triệu đồng/lồng, nên ông bàn với gia đình huy động vốn tích góp, rồi vay thêm của anh em người thân làm 6 lồng nuôi cá trên sông Đuống. Trong thôn cũng có khoảng 10 hộ đầu tư nuôi cá lồng, mỗi hộ có từ 3-5 lồng nuôi cá.

Sau một thời gian chăm chỉ làm việc, trời không phụ lòng người, lứa cá lồng đầu tiên ông và các hộ dân trong thôn nuôi đã cho thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các nghề làm nông nghiệp khác.

Thấy vậy, ông tiếp tục bàn với gia đình, anh em đầu tư thêm lồng từ số lãi thu được và nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, tỉnh.

Từ 6 lồng cá lúc đầu vào năm 2015, đến nay gia đình ông đã đầu tư 43 lồng nuôi cá trên sông Đuống.

"Nuôi cá lồng trên sông nhà thấp nhất cũng vào 5 tỷ đồng, như nhà tôi doanh thu 10 tỷ đồng. Đối với nhà ông Nguyễn Văn Trách có hơn 80 lồng, mặt khác ông còn cung cấp cám cho một số thành viên HTX thì doanh thu lên tới 40 tỷ đồng", ông Chiến chia sẻ thêm.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Vũ Văn Chiến luôn sẵn lòng chia sẻ bí quyết và kinh nghiệm của bản thân mình với các hộ dân ở trong thôn để cùng nhau phát triển nghề nuôi cá lồng.

Nhờ chăm chỉ chịu khó và được nhiều người tín nhiệm tháng 9/2019, ông đã vận động, tập hợp các hộ dân nuôi cá lồng để thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng. Lúc đầu, HTX có 10 thành viên với khoảng 200 lồng nuôi cá do ông làm Giám đốc.

"Nuôi cá đặc sản bằng hình thức nuôi lồng trên sông nhà thấp nhất cũng vào 5 tỷ đồng, như nhà tôi doanh thu 10 tỷ đồng. Đối với nhà ông Nguyễn Văn Trách có hơn 80 lồng, mặt khác ông còn cung cấp cám cho một số thành viên HTX thì doanh thu lên tới 40 tỷ đồng", ông Vũ Văn Chiến - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 ở thôn Kiều Lương, xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ với phóng viên Dân Việt.

Đến nay, HTX có 16 thành viên, nuôi tổng số hơn 400 lồng cá trên sông. HTX đã áp dụng nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 1.200 tấn cá các loại.

Hỗ trợ người dân nuôi cá

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh, nghề nuôi cá lồng trên sông, nhất là trên sông Đuống tiếp tục phát triển và đã thay đổi cơ cấu đàn cá thả nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế.

Theo thống kê toàn tỉnh Bắc Ninh có 166 hộ nuôi cá lồng trên sông với tổng số 2.629 lồng, tăng 144 lồng so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Báo VOV.

Theo VOV để hỗ trợ người dân nuôi cá lồng, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bắc Ninh đã triển khai, thực hiện và nghiệm thu 3 mô hình (chuyển tiếp năm 2022): Nuôi cá chép Séc thương phẩm trong lồng trên sông Đuống; Nuôi cá điêu hồng (Oreochoromis sp) bằng lồng trên sông đạt an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh; Xây dựng mô hình nuôi ghép cá ngạnh sông và trắm đen trong lồng trên sông Đuống.

Bên cạnh đó, Chi cục đã tổ chức thực hiện, nghiệm thu đánh giá đề tài: "Thử nghiệm nuôi thương phẩm cá chình hoa (Anguilla armorata) bằng lồng trên sông Đuống tại tỉnh Bắc Ninh"; Xây dựng đề tài khoa học năm 2023 -2024: "Thử nghiệm phác đồ phòng, xử lý bệnh KHV (Koi Herpesvirus Disease) trên cá chép nuôi lồng, ao đất tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh".

Ngoài ra, Chi cục đã chủ trì, phối hợp xây dựng mô hình khuyến nông: Nuôi thương phẩm cá chình hoa (Anguilla armorata) trong ao đất tại tỉnh Bắc Ninh; "Nuôi thương phẩm cá Ngạnh Cranoglanis henrici trong ao đất" để trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện trong năm 2024.

Trúc Chi (t/h)

Tin khác